Multimedia Đọc Báo in

Hàng nghìn tay súng thánh chiến trở về, an ninh châu Âu bất ổn

21:42, 10/12/2016

Ước tính có tới hơn 1.500 tay súng cực đoan người châu Âu đã trở về quê hương sau khi đến Syria và Iraq tham gia hàng ngũ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tạo nên mối đe dọa an ninh lớn cho châu Âu.

Thông tin này được nhiều hãng tin phương Tây đăng tải dựa theo một báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU). 

Báo cáo còn cho biết các đối tượng nói trên được cho là đã nhận lệnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố tại quê nhà. Bên cạnh đó, hiện còn khoảng 2000-2.500 tay súng châu Âu vẫn đang tham chiến ở các nước Trung Đông, trong khi khoảng 750-1.000 đối tượng đã bỏ mạng. 

Lực lượng phiến quân IS. (Nguồn: AP)
Lực lượng phiến quân IS. (Nguồn: AP)

Theo báo cáo trên, ngay cả phụ nữ và trẻ em người châu Âu sinh ra hoặc lớn lên tại các vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát của IS ở Iraq và Syria cũng có thể bị cực đoan hóa và trở thành mối đe dọa an ninh khi trở về. Những người này trở về nước nhưng vẫn giữ liên lạc với IS thông qua mạng xã hội. 

Nhiều nước châu Âu đã lên kế hoạch tăng cường an ninh để đối phó với những âm mưu tấn công khủng bố khi mùa nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới đang cận kề.

Pháp và một số nước thành viên Liên minh châu Âu như Slovakia, Bỉ và Hà Lan ngày 9-12 đã tham gia một cuộc diễn tập tăng cường khả năng phản ứng nhanh đối với các vụ tấn công khủng bố. 

Cuộc diễn tập diễn ra bên lề cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ), thảo luận đề xuất của Điều phối viên chống khủng bố EU Gilles de Kerchove đối phó với các tay súng khủng bố nước ngoài cũng như những người vừa trở về châu Âu.

Ông Gilles de Kerchove cho rằng, châu Âu đang đối mặt với nhiều mối đe dọa khủng bố: “Có nhiều khả năng những tay súng trà trộn vào dòng người di cư để vào châu Âu. Sẽ là sai lầm lớn khi chúng ta cho rằng mối đe dọa chỉ đến từ bên ngoài. Cũng có nhiều người bị cực đoan hóa tại chính châu Âu. Ngoài ra, còn vấn đề những người tham gia chiến đấu cùng IS và quay trở về nước. Có khoảng 2.500 người châu Âu đang tham chiến tại Syria cùng IS”.

Thực tế nhiều nước châu Âu vẫn đang trong tình trạng báo động an ninh cao kể từ sau các vụ tấn công tại Pháp, Bỉ… Tuy nhiên, có nhiều mối lo ngại hiện nay khi số các tay súng trở về châu Âu sẽ gia tăng do cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria đang đạt được nhiều kết quả.

IS cũng sẽ tận dụng châu Âu là mảnh đất màu mỡ mới để phô trương sức mạnh trước những thất bại nặng nề tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) Alex Younger cho rằng, IS đang lên kế hoạch âm mưu tấn công Anh và các đồng minh phương Tây. Ông Alex Younger cho biết: “Anh đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố chưa từng có với 12 âm mưu tấn công đã bị phát hiện và chặn đứng kể từ tháng 6-2013. IS đang có âm mưu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Anh và các nước đồng minh, thậm chí chúng không phải rời khỏi Syria”.

Cơ quan tình báo Đức cũng cảnh báo nguy cơ các tay súng IS đang trà trộn vào dòng người tị nạn và được huấn luyện làm thế nào để có thể xin tị nạn tại những nước châu Âu, trước khi họ nhận nhiệm vụ thực hiện các vụ tấn công.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng đưa ra khuyến cáo các công dân nước này về nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công khủng bố trên khắp châu Âu, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới.

Châu Âu cảnh giác những âm mưu tấn công khủng bố khi mùa nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới đang cận kề. (ảnh: ITN).
Châu Âu cảnh giác những âm mưu tấn công khủng bố khi mùa nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới đang cận kề. (ảnh: ITN).

Các khu chợ mùa đông khá phổ biến tại Pháp, Đức, Anh, Áo và Thụy Sĩ, thu hút hàng triệu người tham gia mỗi năm trong dịp mùa nghỉ lễ tại châu Âu. Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết có nguy cơ cao các nhóm khủng bố Hồi giáo sẽ tiến hành tấn công những địa điểm này tại châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, EU vừa bổ sung Hãng hàng không Aseman Airlines của Iran vào danh sách các hãng bị cấm bay trên không phận châu Âu vì lý do an toàn.

Aseman Airlines có trụ sở tại Tehran và hoạt động trên nhiều tuyến bay nội địa và quốc tế, tuy nhiên không có tuyến nào bay trực tiếp đến các nước thành viên EU. 

Quyết định mới này của EU là đòn giáng mạnh vào Iran, quốc gia đang nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp hàng không sau khi các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran được nới lỏng.

Sau quyết định mới nhất này, hiện có tổng cộng 193 hãng hàng không bị cấm bay tại châu Âu.

Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc