Multimedia Đọc Báo in

EU trước bộn bề khó khăn sau 25 năm thành lập

21:28, 10/12/2016

Ngày 9-12, Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 25 năm Hội nghị thượng đỉnh Maastricht, sự kiện đặt nền móng cho sự ra đời của EU và đồng tiền chung châu Âu.

Ngày 9-12-1991, nguyên thủ quốc gia của 12 nước châu Âu, bao gồm Thủ tướng Pháp François Mitterrand và Thủ tướng Đức Helmut Kohl, đã đồng ý thay đổi tên Cộng đồng châu Âu thành Liên minh châu Âu. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 1-11-1993.

Tại hội nghị Maastricht, 12 quốc gia đã thể hiện một tham vọng hoàn toàn mới, vượt xa ý tưởng ban đầu là tạo ra một "thị trường chung" để hòa giải sau chiến tranh giữa Pháp và Đức. Hiệp ước Maastricht đã cho ra đời một Liên minh châu Âu với đơn vị tiền tệ chung là đồng euro. Tuy nhiên 1/4 thế kỷ sau, EU hiện đang phải đối mặt với làn sóng phản đối hội nhập và Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang ngày càng gia tăng.

EU đang phải đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi làn sóng phản đối hội nhập lan rộng. (Ảnh: SCMP)
EU đang phải đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi làn sóng phản đối hội nhập lan rộng. (Ảnh: SCMP)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Eurogroupe Jeroen Dijsselbloem đã có mặt tại Maastricht, thị trấn lịch sử nằm ở phía nam Hà Lan, để kỷ niệm 25 năm Hiệp ước Maastricht.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đưa ra thông điệp cảnh báo các nước EU có ý định hành động riêng rẽ trong khi liên minh đang đối mặt với sự nghi ngờ sau khi nước Anh quyết định rời EU (Brexit). Ông nhấn mạnh những ai nghĩ rằng đây là thời điểm để phá vỡ Liên minh châu Âu thì họ đã nhầm.

Theo Chủ tịch ủy ban châu Âu, nếu không có EU thì không một nước thành viên nào tự mình có khả năng tạo ảnh hưởng và uy tín trên thế giới. Hiện nay, EU là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới khi chiếm tới 25% GDP toàn cầu.

Cũng theo dự đoán của ông Jean-Claude Juncker, trong 20 năm tới không một nước thành viên nào của EU còn có thể duy trì vị trí là thành viên của G7.

Về lĩnh vực dân số, EU hiện đã giảm một lượng đáng kể khi xét về tỷ lệ. Vào đầu thế kỷ thứ 20, châu Âu chiếm 20% dân số nhân loại trong khi hiện nay con số này chỉ còn 6 - 7% và vào cuối thế kỷ 21 sẽ chỉ còn khoảng 4% trong số 10 tỉ người dân trên Trái Đất.

Ông Jean-Claude Juncker, người từng tham gia sự kiện lịch sử tại Maastricht 25 năm trước đây, đánh giá Hiệp ước Maastricht là một hiệp ước quan trọng nhất trong lịch sử EU.

Đến nay, Hiệp ước Maastricht vẫn được coi là đỉnh cao về sự đồng thuận của châu Âu. Được ký kết sau nhiều tháng đàm phán, Hiệp ước Maastricht đã hài hòa được nhu cầu khác nhau giữa những nước muốn một liên minh hợp tác đầy đủ, chặt chẽ và những nước chỉ muốn một mối quan hệ vừa phải. Hiệp ước Maastricht đã đánh dấu sự chuyển đổi từ một liên minh kinh tế trở thành một liên minh chính trị với việc giới thiệu đồng tiền chung và ý tưởng về công dân châu Âu.

Tuy nhiên, những vấn đề mà EU đối mặt hiện nay cũng bắt nguồn từ đó. Bởi mở rộng tiêu chí liên kết đồng nghĩa với xa dần nguyên tắc nền tảng ban đầu là kinh tế khiến EU sẽ đối diện với ngày càng nhiều phức tạp phát sinh và từ đó xuất hiện ý tưởng phân rã Liên minh châu Âu khi sự phức tạp không thể hoá giải bằng sự đồng thuận.

Bên cạnh đó, khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí Hiệp ước Maastricht vào năm 1992, khối này chỉ có 12 thành viên. Kể từ đó đến nay, Liên minh châu Âu đã tăng lên 28 thành viên, trong đó có 19 nước sử dụng đồng Euro.

Nhà phân tích chính trị Emmanouilidis của Trung tâm chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận định: “Đã có sự thỏa hiệp giữa các nước thành viên để Hiệp ước Maastricht có hiệu lực. Lúc đó Hiệp ước này cũng đã bị chỉ trích song không thể so sánh với những gì chúng ta thấy ngày nay khi sự hoài nghi về EU ở nhiều nước đang ở mức cao. Những người theo chủ nghĩa dân túy đang lợi dụng những chỉ trích này để đạt được mục đích của họ.”

Cùng với sự ra đời của đồng tiền chung euro, EU đã đặt ra những tiêu chuẩn tài khóa chung cho khối. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy định về ngân sách của Liên minh châu Âu sau cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro năm 2009 dẫn tới hậu quả là một số nước bao gồm Hy Lạp và Tây Ban Nha phải xin gói cứu trợ.

Nhà phân tích chính trị Emmanouilidis cho rằng, EU đã có đôi chút tự mãn khi nhận định không có nguy cơ đồng tiền chung sụp đổ nên không cảm thấy việc cần thiết phải tiếp tục cải cách tiền tệ.

Dòng người di cư đổ về châu Âu qua cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ luôn khiến EU lo ngại. (Ảnh: Getty Imgages)
Dòng người di cư đổ về châu Âu qua cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ luôn khiến EU lo ngại. (Ảnh: Getty Imgages)

Sau khủng hoảng tài chính năm 2009, châu Âu đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới như làn sóng nhập cư ồ ạt từ Trung Đông và châu Phi, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi khối này và kể cả việc cử tri Italy mới đây từ chối sửa đối Hiến pháp.

Cuộc trưng cầu ý dân ở Italy cực kỳ quan trọng với Liên minh châu Âu bởi Thủ tướng Matteo Renzi là lãnh đạo duy nhất còn lại ở châu Âu đồng thuận với lãnh đạo của khối về tầm nhìn cho tương lai Liên minh châu Âu trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Angela Merkel đều bận rộn với những cuộc bầu cử trước mắt nên không còn tâm trí cho Liên minh châu Âu nữa.

Hai cuộc trưng cầu ý dân ở Anh và Italy trong vòng 6 tháng với những kết quả đáng thất vọng cho Liên minh châu Âu đã cho thấy khối này đang ở tình thế nguy cấp đến mức nào. Mọi chuyện có thể chưa dừng lại ở đó khi sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy và hiệu ứng tiêu cực từ 2 sự kiện này có thể tác động tới chính trường Pháp và Đức trong các cuộc bầu cử năm sau.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ này, trong đó có cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 9 vừa qua khi vẫn còn tại nhiệm, chính trị gia người Đức này chia sẻ, khi được bầu vào Nghị viện châu Âu 22 năm trước, ông không bao giờ có thể tưởng tượng ra được Liên minh châu Âu có thể lâm vào tình trạng như hiện nay. Theo ông, Liên minh châu Âu đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và nếu không cẩn thận thể chế này sẽ vỡ ra từng mảnh.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc