Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng năm 2016: "Nóng" vấn đề Brexit, Syria
Ngày 15-12, các nguyên thủ quốc gia thành viên EU đã tụ họp tại Brussels (Bỉ) trong cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2016 với chương trình nghị sự dày đặc và nặng nề.
Hội nghị sẽ tập trung xem xét những vấn đề cấp bách nhất liên quan đến chính sách nội khối như các biện pháp giải quyết áp lực người di cư, chiến lược an ninh, tăng trưởng kinh tế, việc làm cho thanh niên, Anh rời khỏi EU (hay gọi là Brexit) và trong chính sách đối ngoại sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2016 diễn ra trong bối cảnh EU đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề người di cư, vốn gây áp lực căng thẳng lên "lục địa già" kể từ năm 2015, một phần nhờ vào thỏa thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 vừa qua. Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét việc thực thi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng Bảy vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, EU cũng đánh giá những tiến bộ đạt được liên quan đến loạt hiệp định ký kết với các nước châu Phi về việc giải quyết thực trạng người di cư xuất phát từ khu vực này.
Hình ảnh bên ngoài trụ sở EU tại Brussels. |
Liên minh sẽ tập trung vào kế hoạch đầu tư ra bên ngoài châu Âu để mong muốn giải quyết tận gốc áp lực di cư và kêu gọi nhanh chóng thông qua kế hoạch này nhằm tăng cường việc thực hiện Kế hoạch hành động Valette (Malta). Các nhà lãnh đạo sẽ xem xét cải cách chính sách tị nạn chung của châu Âu và cách thức áp dụng trong tương lai trên nguyên tắc trách nhiệm và đoàn kết.
Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ là dịp để các nước EU tái khẳng định cam kết của mình đối với chiến lược an ninh nội khối. Lãnh đạo các nước EU sẽ đề cập đến vấn đề tăng cường hợp tác EU trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng với ba ưu tiên chính gồm chiến lược an ninh-quốc phòng chung, kế hoạch hành động về quốc phòng và triển khai đồng bộ các đề xuất được nêu trong Tuyên bố chung EU-NATO được ký kết hồi tháng 7 vừa qua tại Ba Lan.
Liên quan vấn đề kinh tế, phát triển xã hội và thanh niên, lãnh đạo các quốc gia EU sẽ tổng kết các thành tựu trong các lĩnh vực như đầu tư, chiến lược về thị trường chung duy nhất hay sáng kiến chống thất nghiệp trong giới trẻ. Năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên EU đã giảm 10%. Về chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra quan điểm cuối cùng về Hiệp định liên kết EU-Ukraine nhằm mở đường cho việc phê chuẩn văn bản này. Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị giữa EU với Ukraine.
Cũng tại phiên họp này, Tổng thống Pháp, ông François Hollande và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel sẽ trình bày với lãnh đạo các nước EU về việc thực thi thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tình hình cuộc xung đột tại Syria. Sau đó EU sẽ quyết định có gia hạn hoặc bổ sung lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga hay không.
Dù chưa diễn ra Brexit, các chuyên gia phân tích đã nhận định đây là một hội nghị thượng đỉnh mà EU phải bàn chuyện chỉ còn nhóm 27 thành viên. Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ vắng mặt trong buổi tiệc tối để các nguyên thủ EU có thể thảo luận thoải mái hơn về cách thức và các điều khoản thương lượng với Anh, một khi Luân Đôn khởi động tiến trình tách khỏi EU.
Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, ngày 14-12, ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã tuyên bố cần có vai trò và tiếng nói của các nghị sỹ EU trong các cuộc thương lượng sắp tới về Brexit.
Được biết, hiện giờ vai trò của Nghị viện châu Âu được xác định là “phê chuẩn” kết quả cuộc thương lượng sắp tới về Brexit, thay vì có quyền cùng ra quyết định trong thương lượng với Ủy ban châu Âu.
Diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang hoang mang về chính sách tương lai của tân Tổng thống Mỹ và lo lắng về triển vọng quan hệ xuyên Đại Tây Dương; rồi một loạt thay đổi chính phủ bất ngờ tại Italy sau cuộc trưng cầu ý dân, hay tại Pháp do cục diện cuộc bầu cử Tổng thống… Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm của EU phải đối mặt với một loạt vấn đề từ nội bộ đến đối ngoại. Mấu chốt của vấn đề như Tổng thống Pháp liên tục nhắc đến trong những sóng gió gần đây, rằng cần phải đoàn kết nội khối EU.
2016 là một năm kinh hoàng với Liên minh châu Âu. Năm 2016 chứng kiến Brexit, biến động địa chính trị nghiêm trọng nhất với EU kể từ khi thành lập khối và các cuộc họp thượng đỉnh EU từ nhiều tháng qua thường xuyên vắng mặt các lãnh đạo Anh quốc, như là cách để 27 nước thành viên EU học cách sống mới thời hậu Brexit.
Nhưng, Brexit chỉ là một trong số rất nhiều thách thức nghiêm trọng mà EU phải đối mặt trong thời gian tới. Các lãnh đạo EU tiếp tục phải bàn thảo về khủng hoảng tị nạn mà cốt lõi là thảo thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ, bàn về việc có tiếp tục gia hạn, vào tháng 1-2017 tới, các lệnh trừng phạt Nga do khủng hoảng Ukraine, bàn về mối quan hệ giữa EU với NATO và đặc biệt, phải bàn cả về cách ứng xử với tân chính quyền mới ở Washington sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tất cả đó đều là các thách thức được đánh giá là ở mức độ chiến lược, thậm chí có thể đe doạ đến sự tồn tại của Liên minh trong tương lai. Mức độ phức tạp của năm 2017 thậm chí còn được dự báo sẽ còn gia tăng trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở 2 cường quốc đầu tàu của Liên minh là Đức và Pháp đang đến rất gần.
Có thể nói, Liên minh châu Âu đang ở vào một giai đoạn mang tính thử thách sống còn mà chỉ có sự đoàn kết cao độ của 27 quốc gia thành viên mới có thể giúp Liên minh vượt qua sóng gió.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc