Multimedia Đọc Báo in

Thụy Sỹ trưng cầu ý dân về quyền công dân của người nhập cư

15:26, 14/02/2017

Thụy Sỹ ngày 12-2 đã trưng cầu ý dân về việc cho phép thế hệ thứ 3 của những người nhập cư đang sinh sống tại Thụy Sỹ trở thành công dân chính thức.

Đây là một thất bại của phe cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc vốn quan ngại việc trao thêm quyền công dân cho người có nguồn gốc nước ngoài và đặc biệt là liên quan tới Hồi giáo. Tỷ lệ ủng hộ là 59%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ phản đối là 41%. 

Đài phát thanh RTS và hãng thông tấn quốc gia ATS khẳng định phe ủng hộ đã đáp ứng hai tiêu chí để giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý khi đạt được đa số phiếu, cũng như giành được đa số sự ủng hộ tại 26 bang của Thụy Sĩ. 

Những sửa đổi trong Hiến pháp sẽ đơn giản hóa việc nhập tịch cho những người hội nhập tốt sinh ra ở Thụy Sĩ, không quá 25 tuổi, học tại đây trong ít nhất 5 năm, chia sẻ giá trị văn hóa của nước này, nói ngôn ngữ Thụy Sĩ và không phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước. 

Theo quy định hiện hành về quyền công dân của Thụy Sỹ, những người nhập cư sinh ra tại Thụy Sỹ không có nghĩa là sẽ được bảo đảm quyền công dân và những người không phải công dân Thụy Sỹ sẽ cần phải đợi ít nhất 12 năm trước khi được nộp đơn cấp quyền công dân.

Theo đề xuất mới về việc nới lỏng quy định pháp luật về quyền công dân vốn được Chính phủ và không ít nhà chính trị tại Thụy Sỹ ủng hộ, thế hệ thứ 3 của người nhập cư, tức thế hệ cháu của người nhập cư, được quyền bỏ qua một vài bước trong tiến trình xin thủ tục thị thực Thụy Sỹ.  

Quy định mới này được cho là sẽ ảnh hưởng đến những người sinh ra tại Thụy Sỹ song có bố mẹ hoặc ông bà là người nhập cư và đã sống thường trú tại nước này. Theo ước tính có khoảng 25% dân số Thụy Sỹ hiện nay, tương đương gần 25.000 người trong tám triệu dân Thụy Sỹ là người có nguồn gốc nhập cư. Gần 60% trong số này là người gốc Italy, tiếp đó là những người gốc các nước Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân Thụy Sỹ vẫn chia rẽ về việc có cấp quyền công dân cho con cháu đời thứ 3 của những người nhập cư hiện sinh sống ở nươc này hay không. Ảnh: DPA
Người dân Thụy Sỹ vẫn chia rẽ về việc có cấp quyền công dân cho con cháu đời thứ 3 của những người nhập cư hiện sinh sống ở nươc này hay không. (Ảnh: DPA)

Những người ủng hộ đề xuất thay đổi quy định luật thì cho rằng, thật là nực cười khi yêu cầu những người sinh ra tại Thụy Sỹ, đã và đang sống cả đời tại Thụy Sỹ phải chứng minh là người Thụy Sỹ.  Tuy nhiên, những người phản đối thì lại cho rằng, đề xuất sửa đổi luật có thể dẫn đến những bước đi cho phép những người không phải công dân Thụy Sỹ có thể dễ dàng có được quyền công dân.

Đứng đầu những người phản đối đề xuất phải kể đến Đảng của Người dân Thụy Sỹ Dân tộc cực hữu (SVP). Theo quan điểm của đảng này, việc nới lỏng quy định luật sẽ mang lại cơ hội cho nhiều người Hồi giáo trở thành công dân Thụy Sỹ và khiến các giá trị của Thụy Sỹ bị mai một.

Phe phản đối, thậm chí còn đăng những tấm áp phích trên nhiều đường phố của Thụy Sỹ những ngày này, có hình một phụ nữ đạo Hồi đeo mạng cùng khẩu hiệu kêu gọi cử tri bác bỏ “quyền công dân không kiểm soát”.

Trong vòng 30 năm qua, đã có ít nhất 3 đề xuất về việc nới lỏng quy định quyền công dân của Thụy Sỹ được đưa ra trưng cầu ý dân song đều đã bị bác bỏ. Các cuộc điều tra dư luận tại Thụy Sỹ gần đây cho thấy kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này cũng không phải là ngoại lệ. Người dân tại những thành phố lớn ở Thụy Sỹ đa phần đều ủng hộ đề xuất sửa đổi luật song tại các khu vực nông thôn còn mang nặng tính bảo thủ, đa phần người dân đều phản đối sửa đổi luật.

SVP - chính đảng lớn nhất ở Thụy Sĩ - đã từng đe dọa phát động một cuộc trưng cầu ý dân nhằm chấm dứt tình trạng người di cư lợi dụng Hiệp ước tự do đi lại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ để nhập cư vào nước này nếu Quốc hội Thụy Sĩ không thông qua dự thảo luật mới hạn chế người nhập cư.

Hà Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc