Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng tị nạn: EU cân nhắc trừng phạt những thành viên "cá biệt"

08:53, 10/02/2017

EU đang cân nhắc khả năng thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào những nước thành viên “cá biệt” trong vấn đề nhập cư.

Do dân số bị già hóa nên châu Âu cần người nhập cư và chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư bằng cách hợp tác và không đóng cửa đối với người di cư. Đây là tuyên bố của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đưa ra ngày 8-2 khi phát biểu khai mạc Hội nghị Á-Âu về vấn đề người di cư tại thủ đô Valletta của Malta.

Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đưa những người di cư tới đảo Lampedusa , Italy. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đưa những người di cư tới đảo Lampedusa , Italy. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Bà Mogherini thể hiện tin tưởng rằng người châu Âu ý thức được rằng "Lục địa già" cần người nhập cư để đáp ứng nhu cầu phát triển của các nền kinh tế thành viên do dân số các nước đang bị già hóa. Theo bà, vấn đề người di cư chỉ có thể được giải quyết thông qua con đường hợp tác với họ. Ngược lại, ngăn chặn người nhập cư không phải là câu trả lời hay giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư được cho là tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 này.

Cùng ngày, EU cũng cảnh báo liên minh này sẽ xem xét trừng phạt các nước thành viên trong tháng sau nếu các nước này không chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn đang bị kẹt tại Hy Lạp và Italy.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans đã chỉ trích EU phân bổ quá chậm người tị nạn khi đến nay mới chỉ tiếp nhận 12.000 trong số 160.000 người tị nạn Syria và những người tị nạn khác mà đến tháng 9 tới cần được phân bổ từ Hy Lạp và Italy đến các quốc gia khác trong EU. Do đó, các nước thành viên EU sẽ phải chịu những hình phạt hành chính nghiêm khắc của Ủy ban châu Âu nếu vi phạm quy định của liên minh.

Hồi tháng 9-2015, các nước thành viên EU đã nhất trí phân bổ 160.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Italy trong vòng 2 năm.

Ủy ban châu Âu yêu cầu những nước thành viên gương mẫu của khối gây sức ép với những nước khác. Tuy nhiên, phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Timmermans cũng thừa nhận, biện pháp này chỉ mang tính ngắn hạn. 

Cuộc khủng hoảng nhập cư đã đặt các nước thành viên của Liên minh châu Âu trước bài toán an ninh và xã hội không dễ giải quyết ngay trong chính quốc gia của mình. Dù lượng người di cư vượt biển vào Liên minh châu Âu trong năm 2016 đã giảm nhưng cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện những xu hướng đáng lo ngại, đó là nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, làn sóng người di cư mới từ Libya.

Nhóm họp ngày 8-2 tại thành phố Viên, Áo, Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng 16 nước Trung và Đông Nam Âu đã nhất trí soạn thảo kế hoạch B nhằm bảo vệ các đường biên giới trong trường hợp thỏa thuận đạt được giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka nói: “Chúng tôi muốn thiết lập một cơ chế phối hợp, có thể tự động thích nghi với mọi tình hình, trong đó không chỉ về các mối quan hệ ngoại giao, mà còn là khuôn khổ hành động cho các nước thành viên trong đối phó với những thách thức cụ thể”.

Đạt được tháng 3-2016, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ cho phép giảm mạnh số người nhập cư vào Liên minh châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Hy Lạp và các nước Balkan.  Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cảnh báo sẽ chấm dứt hợp tác, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên xấu đi trông thấy trong thời gian gần đây. Theo thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc Jakub Landovsky, nếu quan hệ giữa hai bên không thể được duy trì ở mức tốt nhất có thể, EU sẽ phải chuyển sang các phương án khác: “Cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát, vượt qua các đường biên giới và các thể chế. Vì thế chúng ta có mặt ở đây là để chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra. Chúng ta cần một kế hoạch B trong trường hợp thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ thất bại”.

Làn sóng người di cư vẫn là thách thức lớn đối với châu Âu. (Ảnh: Getty)
Làn sóng người di cư vẫn là thách thức lớn đối với châu Âu. (Ảnh: Getty)

Các nước tham dự cuộc họp dự định sẽ xây dựng một kế hoạch an ninh mới nhằm tăng cường khả năng quản lý hiệu quả dòng người di cư trên tuyến đường Tây Balkan. Theo thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka và Bộ trưởng Quốc phòng Hans Peter Doskozil, các giải pháp trong bản kế hoạch này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 4-2017. Bộ trưởng Doskozil cho biết kế hoạch tập trung vào các giải pháp ngăn chặn nạn nhập cư và các hoạt động đưa người di cư bất hợp pháp vào châu Âu, hoạt động dưới "cơ chế phối hợp", thỏa thuận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực.

Kể từ đầu năm đến nay, khoảng 8.500 người di cư bằng đường biển đã được giải cứu trong khi ít nhất 227 người bị mất tích hoặc đã thiệt mạng. Trong năm 2016, ít nhất 4.500 người, chủ yếu là người châu Phi đã chết hoặc mất tích trên biển khi tìm cách đến Italy, cửa ngõ đến các nước khác ở châu Âu. Tính từ năm 2014 đến nay, hơn 500.000 người di cư đã đến Italy và hiện gần 175.000 người đang chờ được cấp quy chế tị nạn tại nước này.

Hồng Như (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.