Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Mỹ cân nhắc ban hành một sắc lệnh cấm nhập cảnh mới

15:45, 13/02/2017

Ngày 10-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch đưa "cuộc chiến pháp đình" liên quan đến sắc lệnh hạn chế nhập cảnh lên Tòa án Tối cao và đang xem xét ban hành một sắc lệnh mới.

Mặc dù trước đó đã gặp hai thất bại liên tiếp ở cấp tòa án liên bang, ông Trump khẳng định luật pháp đứng về phía mình.

Tổng thống Mỹ cho rằng ông còn rất nhiều lựa chọn khác, bao gồm việc ký một sắc lệnh hoàn toàn mới. Tuy nhiên, ông Trump cho hay bất cứ động thái nào cũng sẽ phải đợi sang tuần tới.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, tòa án cấp bang không thể bãi bỏ sắc lệnh của Tổng thống Trump mà chỉ có quyền ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp. Chỉ có Tòa án Tối cao Mỹ mới được phép bãi bỏ sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump nếu xác định nó vi hiến. Tuy nhiên, quá trình khởi kiện lên Tòa án Tối cao có thể mất tới cả năm và trong thời gian đó chính quyền của Tổng thống Trump hoàn toàn có thể thay đổi hệ thống nhập cư của Mỹ theo hướng những phán quyết của tòa liên bang gần như không còn phù hợp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông nhận thức về "các mối đe dọa khổng lồ" mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Ông cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực bảo đảm an ninh quốc gia.

Trước đó, vào ngày 9-2, Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 tại San Francisco đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư pháp đòi sớm khôi phục sắc lệnh của Tổng thống Trump về hạn chế nhập cư. Theo phán quyết của tòa, Chính phủ Mỹ đã không được ra được bất kỳ lý do an ninh nào để biện minh cho sắc lệnh của ông Trump.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mexico cùng ngày ban hành khuyến cáo công dân nước này tại Mỹ hành động "cẩn trọng". Theo tuyên bố trên, cộng đồng người Mexico tại Mỹ đang đối mặt với tình hình mới, trong đó các biện pháp kiểm soát người nhập cư khắt khe hơn trước. Người dân do đó cần hành động cẩn trọng hơn và giữ liên lạc với các cơ quan lãnh sự để nhận được giúp đỡ trong trường hợp cần thiết. Tuyên bố cho biết các lãnh sự quán đã tăng cường hoạt động để bảo vệ quyền lợi của công dân Mexico.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm thời cấm nhập cư với người đến từ 7 nước Hồi giáo gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen trong 90 ngày, với người tị nạn trong 120 ngày và vô thời hạn với người tị nạn Syria, ngay lập tức sắc lệnh này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn nổ ra trên khắp nước Mỹ và những tranh cãi pháp lý gay gắt.

Ngày 3-2, thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, Washington ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Trump trên phạm vi cả nước, giúp người dân 7 quốc gia Hồi giáo có thể nhập cảnh bình thường. Chính quyền Tổng thống Trump đệ đơn lên tòa phúc thẩm, đề nghị hoãn thi hành phán quyết của thẩm phán Robart. Ba thẩm phán liên bang Mỹ ngày 7-2 mở phiên tranh luận để lắng nghe ý kiến từ người đại diện hai bên và quyết định cuối cùng được đưa ra ngày 9-2 đã giữ nguyên phán quyết đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống.

Giải thích về phán quyết bác đề nghị khôi phục lệnh cấm nhập cư từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Tòa Phúc thẩm cho biết, họ không thể ra quyết định mang tính phân biệt đối xử chống lại một tôn giáo cụ thể khi tôn giáo này đã được phổ biến rộng rãi. Theo Tòa, các bang Washington và Minnesota cũng đã đưa ra được những bằng chứng xác đáng về nhiều tuyên bố của Tổng thống cho thấy ý định của ông thực hiện việc cấm cửa người Hồi giáo. Tòa cũng lập luận rằng, Chính phủ Mỹ không thể chứng minh bất kỳ người nào đến từ 7 quốc gia Hồi giáo nằm trong danh sách cấm nhập cư vào Mỹ đã gây ra một vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ.

Việc ban hành một sắc lệnh mới là điều có thể xảy ra nhưng sở dĩ chính quyền Tổng thống Trump cần phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó có thể khiến cho những người vốn không ưa gì ông Trump “hả hê” với chiến thắng khi buộc Tổng thống Trump lần đầu tiên phải thay đổi kế hoạch của mình.

Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump. (Ảnh: AP)
Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump. (Ảnh: AP)

Giống như những tuyên bố trước đó, ông Trump vẫn rất tự tin vào chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến pháp lý ở Tòa phúc thẩm khu vực 9 ở San Francisco: “Chúng tôi sẽ giành chiến thắng nhưng thật không may là trình tự thủ tục pháp lý cần phải có thời gian… Chúng tôi cần “tốc độ” vì lý do an ninh…”.

Một nguồn tin thân cận với đội hoạch định chính sách của ông Trump cho biết, nếu được “viết lại”, sắc lệnh mới sẽ tiếp tục là sản phẩm của Stephen Miller, người từng tham gia vào việc soạn thảo sắc lệnh gốc cùng với các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa.

Bình luận về khả năng chính quyền Tổng thống Trump ban hành một sắc lệnh cấm nhập cư mới, Giáo sư luật học Alexander Reinert tại đại học Yeshiva ở New York cho rằng, ngay kể cả khi ông Trump lựa chọn phương án này, ông vẫn có khả năng phải đối mặt với các thách thức pháp lý khi những người phản đối có thể điều chỉnh khiếu nại của họ. “Sắc lệnh cấm nhập cư mới của ông Trump nếu có sẽ có thể ngay lập tức kích hoạt lệnh cấm đi lại tạm thời nhưng những bên từng nộp đơn khởi kiện bao gồm bang Washington cũng có thể yêu cầu Tòa đình chỉ sắc lệnh này với những khiếu nại khác”, Giáo sư Reinert nói.

Thực tế đã cho thấy, nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi trong một diễn biến khác có liên quan, Thẩm phán Leonie Brinkema ở Virgina mới đây đã yêu cầu chính phủ liên bang phải cung cấp danh sách tất cả những ai bị khước từ nhập cảnh hoặc bị trục xuất khỏi Mỹ. Thẩm phán Leonie Brinkema cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump cung cấp thêm bằng chứng về mối đe dọa của công dân 7 nước nằm trong danh sách cấm nhập cư.

Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc