Multimedia Đọc Báo in

Hòa đàm Syria tại Geneva kết thúc: Tích cực nhưng chưa đột phá

07:31, 06/03/2017

Vòng đàm phán mới nhất về tình hình Syria do Liên hiệp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ đã kết thúc một cách tích cực sau 8 ngày thương lượng.

Phát biểu với báo giới ngày 3-3 Đặc phái viên Liên hiệp quốc Staffan de Mistura cho biết, điểm tích cực nhất ở vòng đàm phán lần này là giờ đây các bên liên quan đã có một chương trình nghị sự rõ ràng hơn để theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Ông Mistura nói: “Tôi có cảm nhận rằng các bên đều muốn tiếp tục đối thoại. Như tôi đã nói ngay từ đầu đàm phán là các bạn đừng ngạc nhiên, đừng quá kỳ vọng, cũng đừng phản ứng thái quá với những tuyên bố. Đây chỉ là một phần của vấn đề tu từ học, của những kỹ xảo về mặt chính trị. Tôi cảm giác là chúng ta đang đi đúng hướng. Con tàu đã sẵn sàng trong sân ga. Đoàn tàu đang đốt nóng động cơ. Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ chờ mỗi chất xúc tác. Chất xúc tác đó đang nằm trong tay các bên tham gia đàm phán”.

Dự kiến các bên sẽ trở lại Geneva vào cuối tháng 3 tới để thảo luận về 4 vấn đề chính của chương trình nghị sự, bao gồm: dự thảo hiến pháp, xây dựng một chính phủ lâm thời, tổ chức các cuộc bầu cử ở Syria và chống khủng bố theo yêu cầu của Chính phủ Syria. Đây được xem là kết quả tích cực cho Chính phủ Syria.

Theo Liên hiệp quốc, chỉ có 2 nhóm phiến quân tại Syria được liệt vào danh sách khủng bố bao gồm IS và Mặt trận al-Nusra, một nhánh của tổ chức al-Qaeda ở Syria là bị cấm tham dự các vòng đàm phán về Syria. Tuy nhiên, đối với Chính phủ Syria, tất cả các nhóm phiến quân còn lại tại Syria đều là những kẻ khủng bố.

Ông Mistura cũng cho biết, bên cạnh vòng đàm phán về Syria tại Geneva do Liên hiệp quốc bảo trợ diễn ra vào cuối tháng 3 tới, các cuộc đàm phán diễn ra tại Astana, Kazakhstan do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chủ trì cũng sẽ là hoạt động hỗ trợ cho các vòng hòa đàm và giải quyết “việc duy trì lệnh ngừng bắn, xây dựng lòng tin ngay lập tức và hoạt động chống khủng bố”.

Cả 4 vấn đề được thảo luận tại Geneva sẽ cùng được đề cập tại cả Astana, sau khi được tất cả các bên đồng ý. Riêng về vấn đề chống khủng bố, trong vòng đàm phán sắp tới tại Geneva sẽ chỉ đề cập tới “chiến lược chống khủng bố”, còn việc thực hiện cụ thể các biện pháp chống khủng bố sẽ được thảo luận tại Astana.

Về đàm phán trực tiếp giữa đại diện chính phủ và phe đối lập Syria, ông Mistura cho rằng, các cuộc đàm phán “gián tiếp” hiện nay đang tỏ ra “có hiệu quả hơn”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng các bên có thể chấp nhận nghị trình Geneva.

Phái đoàn Chính phủ Syria không có bình luận gì về kết quả của đàm phán. Trong khi đó, đại diện phe đối lập Syria tham gia đàm phán đánh giá, vòng thương lượng lần này là tích cực. Trưởng đoàn đàm phán của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) Nasr al-Hariri khẳng định, đây là lần đầu tiên các bên thảo luận chiều sâu về các vấn đề liên quan tới tương lai của Syria và chuyển giao chính trị. “Mặc dù chúng tôi đã khép lại vòng đàm phán mà không có một kế quả rõ ràng nào song tôi cho rằng, vòng đàm phán lần này tích cực hơn so với các vòng trước đây. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thảo luận sâu về tương lai của Syria cũng như tương lai của tiến trình chuyển tiếp tại Syria. Chúng tôi cũng đã nhất trí với đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria về thời gian tổ chức vòng đàm phán sắp tới. Chúng tôi luôn cam kết và sẵn sàng cho cuộc đàm phán tiếp theo”, ông al-Hariri nói.

Bên cạnh đó, phe đối lập Syria cũng tạm thời chấp nhận bộ tài liệu được Liên hiệp quốc trao cho tất cả các phái đoàn đàm phán, gồm 12 nguyên tắc được cho là nền tảng của vòng hòa đàm tiếp theo, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục can dự vào các vòng đàm phán này. 

Dự kiến, vòng hòa đàm thứ 5 về Syria do Liên hiệp quốc bảo trợ sẽ diễn ra ở Geneva vào ngày 20-3 tới trong khi các vòng đàm phán tại Astana sẽ diễn ra vào ngày 14-3.

Một binh sĩ Syria hạ lá cờ IS tại thành phố cổ Palmyra (Ảnh: Independent)
Một binh sĩ Syria hạ lá cờ IS tại thành phố cổ Palmyra (Ảnh: Independent)

Trong khi đó, vào ngày 2-3, quân đội Syria tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lần thứ 2 trong vòng 1 năm, với sự trợ giúp của lực lượng đồng minh và các máy bay chiến đấu của Nga. 

Trong một thông cáo, quân đội Syria khẳng định đã giành lại thành phố Palmyra với sự hỗ trợ từ lực lượng không quân Syria và Nga cùng với sự hợp tác của các đồng minh. 

Trước đó, Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn bởi máy bay chiến đấu Nga đã hoàn tất việc giành lại thành phố cổ Palmyra từ tay IS. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskovcho hay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã thông báo với Tổng thống Vladimir Putin về sự hoàn thành chiến dịch trên. 

IS đã chiếm thành phố Palmyra năm 2015 và phá hủy các đền đài nổi tiếng và hàng nghìn di tích tại Palmyra. Đến tháng 3-2016, các lực lượng chính phủ Syria và dân quân với sự hậu thuẫn của không quân Nga đã giành lại thành phố này từ tay IS. Sau đó, IS chiếm Palmyra lần thứ hai vào tháng 12-2016. 

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.