Tổng thống Donald Trump cáo buộc ông Obama nghe trộm điện thoại
Theo AFP, ngày 4-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama "nghe trộm" điện thoại của mình trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng hồi năm ngoái, tuy nhiên ông không cung cấp bằng chứng cho cáo buộc bất ngờ này.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Tôi cá rằng một luật sư tốt có thể xử lý thực tế rằng Cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe trộm điện thoại của tôi trong tháng 10-2016, thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử... Đây là một vụ Nixon/Watergate".
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại chương trình "Fox và những người bạn" của kênh Fox News, Tổng thống Donald Trump đã được hỏi liệu ông có cho rằng cựu Tổng thống Barack Obama đứng đằng sau các vụ biểu tình chống đảng Cộng hòa diễn ra trong tháng này hay không. "Tổ chức của ông ấy dường như đã hỗ trợ rất nhiều cho một số cuộc biểu tình phản đối đảng Cộng hòa cũng như hoạt động chống lại ông trên khắp đất nước. Ông có tin rằng Tổng thống Obama đứng đằng sau chuyện này không? Nếu có thì đó có phải là một sự vi phạm cái gọi là luật bất thành văn của các Tổng thống không?" ông Trump được hỏi như vậy. "Tôi nghĩ là ông ta đứng sau vụ này. Tôi cũng nghĩ đây là chuyện chính trị, nó phải diễn ra như vậy thôi", ông Trump đáp.
Sau đó, ông Trump chuyển sang bàn luận về những vụ rò rỉ tin tức gây gián đoạn tháng làm việc đầu tiên của ông với tư cách tổng thống. "Bạn chẳng bao giờ biết được chính xác chuyện gì đang diễn ra sau cánh gà. Bạn biết đấy, bạn có thể đúng hoặc có khả năng đúng, nhưng bạn chẳng thể biết được gì," ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn. "Tôi nghĩ Tổng thống Obama đứng đằng sau vụ này vì rõ ràng người của ông ta có liên quan. Và một số tin tức rò rỉ có lẽ đã được tuồn ra từ đó - một sự việc thực sự nghiêm trọng nếu xét trên góc độ an ninh quốc gia. Nhưng tôi cũng hiểu chính trị là như thế. Nếu ông ta đứng đằng sau những chuyện này thì đó chính là chính trị. Và chuyện này sẽ còn tiếp diễn", ông Trump nói.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama (phải) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) trước khi diễn ra lễ nhậm chức tại Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 20-1 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Người phát ngôn của cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama - ông Kevin Lewis đã phủ nhận cáo buộc của Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Kevin Lewis, một quy tắc quan trọng của chính quyền Tổng thống Obama đó là không có quan chức Nhà Trắng nào can thiệp vào bất cứ một cuộc điều tra độc lập nào do Bộ trưởng Tư pháp dẫn đầu. Chính vì vậy, không có quan chức Nhà Trắng nào hay cựu Tổng thống Obama đề nghị theo dõi bất cứ một công dân Mỹ nào. Cáo buộc này là vô căn cứ.
Trong khi đó, các thành viên Quốc hội Mỹ cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều cho rằng cần phải điều tra hoặc có sự giải thích rõ ràng về những cáo buộc của ông Trump.
Trong một bình luận ngày 4-3, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nebraska của Mỹ, ông Ben Sasse cho rằng Tổng thống Donald Trump nợ công chúng một lời giải thích cụ thể hơn về cáo buộc rằng ông đã bị người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại trước cuộc bầu cử tháng 11-2016.
Ông Ben Sasse, người vốn phản đối cả ông Trump và bà Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, cho rằng bầu không khí chính trị đang bị “bao trùm bởi một cuộc khủng hoảng lòng tin” sau khi ông Trump tố cáo cựu Tổng thống Barack Obama ra lệnh nghe lén điện thoại. Thượng nghị sỹ Ben Sasse cho rằng nếu chuyện đó thực sự xảy ra, dù được phép hay không được phép theo Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) thì ông Trump vẫn phải giải thích những cáo buộc qua dòng tweet của mình.
Ông Sasse cho rằng cáo buộc của ông Trump là “rất nghiêm trọng” và người dân cần phải được cung cấp thêm thông tin. Nếu hành động nghe lén này không được sự cho phép theo FISA thì Tổng thống Trump phải giải thích đó là loại nghe lén gì và làm thế nào ông biết được điều đó. Kể cả khi hành động nghe lén này đã được cho phép theo luật thì ông Trump vẫn phải công khai việc đó.
Ông Sasse chỉ là một trong số những Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa lên tiếng về cáo buộc của Tổng thống Donald Trump đối với người tiền nhiệm Barack Obama hôm 4-3 vừa qua.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng nếu cựu Tổng thống Barack Obama quả thực nghe lén ông Trump, khi đó còn là ứng viên Tổng thống, dù được phép hay không được phép thì đây cũng là bê bối lớn nhất kể từ vụ Watergate. Ông khẳng định sẽ đi đến cùng chuyện này vì đó là trách nhiệm của ông.
Về phía đảng Dân chủ của ông Obama, Hạ nghị sĩ Adam Schiff, thành viên cấp cao của Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ gọi những cáo buộc vô căn cứ của Tổng thống Trump là “ẩu tả”. Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden viết trên Twitter rằng hoặc là FBI đang điều tra hoặc là “ông Trump đang bịa nó. Dù là gì thì người Mỹ muốn có lời giải thích rõ ràng” cho chuyện này.
Theo quy định, chính quyền của ông Obama có quyền yêu cầu giám sát tòa nhà của ông Trump nếu chứng minh được nó là “trụ sở mật vụ của một thế lực nước ngoài”. Tuy nhiên, yêu cầu giám sát điện tử sẽ chỉ được áp dụng chừng nào nhận được tòa án liên bang cho phép.
Cáo buộc của ông Trump đưa ra trong bối cảnh chính quyền của ông đang đứng trước áp lực từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cuộc điều tra của quốc hội về những cuộc tiếp xúc giữa các cựu cố vấn của ông Trump với người Nga trong thời gian còn tranh cử. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức vì nói dối các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng đang đứng trước áp lực phải từ chức với lý do tương tự. Còn Phó Tổng thống Mike Pence vướng bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để trao đổi việc công trong thời gian giữ chức Thống đốc bang Indiana.
Như Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc