Hội nghị G7: "Nóng" vấn đề Syria
Tối 10-4 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại thành phố Lucca, tỉnh Lucca, miền Trung Italy.
Hội nghị ngoại trưởng lần này là nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức ở Sicily, Italy, từ ngày 26 đến 27-5 tới.
Tại hội nghị, các ngoại trưởng G7 tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có tình hình ở Libya và Ukraine; cuộc chiến chống khủng bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq; các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên cũng như vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở Idlib (Syria) ngày 4-4 và vụ Mỹ tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ không quân Syria sau đó.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini (thứ hai, trái) và Ngoại trưởng các nước G7 tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở thành phố Lucca, Italia ngày 10-4. (Ảnh: TTXVN) |
An ninh tại Lucca đã được thắt chặt để bảo vệ an toàn cho hội nghị. Chính phủ Italy đã quyết định đóng cửa không phận ở Lucca và các tỉnh lân cận là Pisa, Massa-Carrara trong 2 ngày diễn ra hội nghị. Các trường học ở Lucca cũng được đóng cửa trong thời gian này và giao thông ở trung tâm thành phố bị hạn chế.
Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano, chủ nhà cuộc họp cho biết sự ủng hộ rộng rãi của châu Âu cùng với cuộc không kích của Mỹ đã góp phần tạo ra sự hòa hợp mới giữa Mỹ và các đối tác đồng minh nhưng đẩy quan hệ Mỹ và châu Âu với Nga vào giai đoạn căng thẳng mới. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của G7 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Cuộc họp của G7 lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường quân sự ở bán đảo Triều Tiên sau các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Cuộc họp cũng diễn ra trong bối cảnh một mối đe dọa khủng bố đang ngày càng lớn với nhiều cuộc tấn công ở châu Âu và cả cuộc tấn công khủng bố vào ngày 9-4 ở Ai Cập.
Với chủ đề xoay quanh cuộc khủng hoảng Syria, nước chủ nhà của Hội nghị G7 – Italy đã mời Ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Jordan và Qatar cùng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 để thảo luận vấn đề Syria.
Hội nghị thảo luận về phản ứng của nhóm này đối với vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước ở Syria mà theo cáo buộc của phương Tây là do lực lượng của Tổng thống Syria Basar al-Assad tiến hành.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, bây giờ chính là lúc bàn về việc cộng đồng quốc tế cùng với Nga, Iran, Saudi Arabia, châu Âu cùng với Mỹ sẽ hướng tới tiến trình hòa bình cho Syria như thế nào và làm thế nào để tránh xung đột quân sự.
“Tôi nghĩ chúng ta cần thể hiện quan điểm thống nhất và trong các cuộc đàm phán”, ông nói. “Chúng ta cần nỗ lực để Nga có thể tác động tới chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ít nhất là khiến họ sẵn sàng tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháp chính trị, một lệnh ngừng bắn và một tiến trình chính trị, các cuộc bầu cử để đạt được một Syria dân chủ và tự do. Đó là mục tiêu quan trọng”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết các Ngoại trưởng G7 đang tính đến việc áp đặt những lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân ở Nga do sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Anh lâu nay là một trong những nước mạnh mẽ kêu gọi đưa ra một cách tiếp cận cứng rắn mới đối với Nga. Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 11-4 cho biết, Chính phủ Canada có thể đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu cộng đồng quốc tế thúc đẩy điều đó. Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley hôm 9-4 nói rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thảo luận về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Iran về việc hai nước này ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Basar al-Assad.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại hội nghị G7.( Ảnh: The Independent) |
Canada cùng với Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Nga với cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nga luôn bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này có liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số nước châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt.
Là nước chủ nhà, Italy hiện đang thúc đẩy một chương trình nghị sự đa chủ đề cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, trong đó có một số chủ đề có thể “xung đột” với Tổng thống Mỹ Donald Trump như đấu tranh chống lại mọi hình thức bảo hộ và chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cũng đang có kế hoạch đến thăm Washington vào ngày 20-4 tới và gặp Tổng thống Trump, trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Hai bên có thể sẽ thảo luận về lập trường của chính quyền Tổng thống Trump đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nếu Washington quyết định rời khỏi hiệp định này, điều đó sẽ gây nên những tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo G7 khác.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc