Multimedia Đọc Báo in

Đặc vụ không biết đọc và vụ đánh cắp tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử CIA

10:32, 14/05/2017

Tháng 11-2016, Nhà xuất bản New American Library của Mỹ chính thức phát hành ấn phẩm “Spy Who Couldn’t Spell: A Dyslexic Traitor, an Unbreakable Code, and the FBI’s Hunt for America’s Stolen Secrets” (tạm dịch Cựu điệp viên mắc chứng khó đọc: Kẻ phản bội, kẻ mã hoá khó giải và những bí mật quốc gia bị đánh cắp), nói về vụ trộm cắp tài liệu quốc gia tuyệt mật "xưa nay hiếm" diễn ra trong lịch sử nước Mỹ.

Điệp viên không biết đọc trở thành kẻ cắp "ngoại hạng"

Brian Regan (45 tuổi) xuất thân từ gia đình công chức nghèo. Ngay từ khi chào đời, Brian Regan đã mắc phải căn bệnh bẩm sinh hiếm gặp, y học gọi là chứng khó đọc (dyslexia). Đây là căn bệnh do khiếm khuyết trong liên kết thần kinh não, không ảnh hưởng lớn đến khả năng suy nghĩ hay trí thông minh. Những người mắc bệnh khi còn trẻ thường có dấu hiệu không có khả năng viết và tính toán con số.

Trưởng thành, nhờ dáng người cao to, Regan đã được tuyển chọn vào không quân. Năm 1999, Regan đã được điều động về làm việc trong Cơ quan trinh sát Quốc gia (NRO). Sau 20 năm phục vụ trong Không quân, Brian Regan lại bị điều động sang đồn trú tại châu Âu nên quyết định viết đơn xin ở lại. Do nguyện vọng bị từ chối nên ngày 31-8-2000 Regan quyết định rời khỏi quân ngũ, nghỉ hưu non ở tuổi 37.

Trước khi nghỉ hưu, phải đối mặt với nhiều sức ép, gia cảnh khó khăn, càng đến ngày nghỉ hưu tinh thần Regan càng trở nên bấn loạn. Rồi một ý nghĩ loé lên trong đầu và Regan xem đây là "ánh sáng cuối đường hầm": khai thác kho tài liệu mật của cơ quan để bán cho nước ngoài. Nếu trộm tài liệu trót lọt sẽ mang lại cho Regan một khoản tiền kếch xù, trả được nợ, lo cho 4 đứa con ăn học, thực hiện lời hứa cho vợ đi du lịch nước ngoài...

Hành trình đánh cắp tài liệu của Brian Regan

Nhờ công việc được giao tại NRO là hỗ trợ các hoạt động online cho bộ phận Intelink (mạng nội bộ), Regan có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu mật mà Mỹ đã phải tốn tới hàng tỷ USD mới thu thập được.

Bắt đầu từ mùa thu 1999, Regan đã truy cập và lấy được hàng trăm trang tài liệu mật từ Intelink liên quan đến Libya, Irắc, khả năng của vũ khí Mỹ, tài liệu về chiến tranh vũ khí sinh học... Regan dùng chính máy in của cơ quan để tạo ra hàng trăm trang thông tin mật từ Intelink. Tài liệu được Regan cho vào một chiếc túi đựng đồ thể thao và mang về nhà. Ngoài tài liệu được in trên giấy, còn có cả thông tin từ máy tính của NRO vào đĩa CD, băng video, USB..., tất cả được giấu kín trong tầng hầm gia đình, hằng ngày cứ đến đêm khuya, khi vợ con ngủ say, Regan lại sao chép, mã hoá thông tin. Tài liệu mật kèm băng video và đĩa CD, tất cả được phân loại theo quốc gia được đựng trong những chiếc hộp nhựa có tên Tupperware, bọc bên ngoài là túi chứa chịu nước được Regan mang chôn tại Công viên thung lũng Patapsco (PVSP) gần thành phố Baltimore, cách nhà khoảng 48 km.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do không có mối làm ăn với tình báo nước ngoài nên Regan đã tự thiết kế cách tiếp thị để bán thông tin vừa lấy được, đối tượng là các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Từ tháng 4-2000 Regan bắt đầu soạn thư chào hàng, bức thư đầu dài 13 trang được gửi trực tiếp cho người đứng đầu cơ quan tình báo Libya. Regan tự giới thiệu là chuyên viên phân tích tình báo của CIA, có thông tin tuyệt mật muốn bán với giá 13 triệu USD. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, thư được viết bằng mật mã.

Brian Regan đã bị phát hiện như thế nào ?

Không phải FBI, CIA, hay cơ quan tình báo nào của Mỹ phát hiện ra Regan mà tất cả là do "phản thùng" từ phía khách hàng. Vào một buổi sáng tháng 12-2000, đặc vụ Steven Carr của FBI đã nhận được một gói bưu phẩm đặc biệt qua phát chuyển nhanh FedEx, bên trong có 3 phong bì chứa hàng quảng cáo của Brian Regan định gửi đến cho Chính phủ Libya thông qua cơ quan đại diện ngoại giao tại Mỹ.

Khi mở 3 chiếc phong bì cho thấy, những tài liệu tuyệt mật của chính phủ "không cánh mà bay" được chuyển đến FBI bởi một kẻ hai mặt làm việc bên trong Lãnh sự quán Libya ở New York. Các phong bì được dán tem và gửi riêng từng lần đến Lãnh sự quán bởi một người không rõ danh tính. Tất cả phong bì này bên ngoài đều ghi "Thông tin nhạy cảm", và các lưu ý khác bên dưới, đề nghị gửi tận tay tổng thống hoặc giám đốc tình báo quốc gia. Bì thứ nhất gồm một bức thư dài 4 trang với 149 dòng đánh máy chữ cái ABC và các con số. Phong bì thứ hai chứa nội dung hướng dẫn cách giải mã thư trong phong bì thứ nhất. Phong bì thứ ba chứa các tờ giấy ghi hai bộ ký hiệu, một là  danh sách mật mã và bộ ký hiệu còn lại gồm 6 trang giấy, liệt kê hàng chục từ khóa đi kèm các chữ viết tắt bí mật được xác định là hệ thống mật mã viết tắt. Hai bộ ký hiệu gộp lại sẽ tạo ra chiếc chìa khóa giải để giải mã các thông tin mật đi kèm.

Steven Carr là điệp vụ khá dày dặn kinh nghiệm nhưng đọc mãi vẫn không hiểu được nổi nội dung nếu không được giải mã. Đây là cách làm mà người gửi, tức Regan cực kỳ láu cá, vừa đề phòng trường hợp bị cơ quan tình báo Mỹ xem trộm hoặc bị khách hàng thất hứa. Regan còn thận trọng bỏ vào mỗi bì thư một mảnh giấy đánh máy với nội dung thông báo cho người nhận biết, còn hai phong bì khác cũng được gửi đến cùng địa chỉ, và nếu bì thư nào không đến đúng địa chỉ thì hãy đăng thông báo công khai trên báo Washington Post. Đáng tiếc, Regan đã không tính đến giải pháp thư bị "tố ngược" gửi lại cho FBI. Phân ban FBI New York đã giải mã được một đoạn đầu bức thư với nội dung: "Tôi là một chuyên viên phân tích tình báo của CIA, muốn làm gián điệp chống lại nước Mỹ bằng cách cung cấp cho quý quốc những thông tin có tính bí mật cao. Tôi có chứng nhận an ninh hạng tối mật và có quyền tiếp cận hồ sơ của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, như NSA, DIA, CentCom và những cơ quan liên quan khác". Ngoài thư, trong các phong bì còn chứa một số văn bản giấy tờ của CIA và Chính phủ Mỹ có đóng dấu tối mật để "làm bằng" là hàng xịn. Đây cũng là chứng cứ người gửi thư phạm tội gián điệp.

Sau 6 tháng săn lùng, cuối cùng Steven Carr và các cộng sự đã phân loại, thu thập được qua tập tài liệu và xác định được kẻ gián điệp là Brian Regan, ở thị trấn Bowie & Crofton, người mắc chứng khó đọc nên khi viết đã mắc lỗi chính tả nghiêm trọng. Sau đó, Regan đã bị bắt tại sân bay quốc tế Dulles khi lên đường đi Zurich gặp đại sứ quán của Trung Quốc, Libya và Iraq để giới thiệu hàng. Kiểm tra giấy tờ khi bị bắt, cảnh sát thu được nhiều chứng cứ đã được mã hóa; đặc biệt tìm thấy mảnh giấy nằm giữa lòng bàn bên giày phải, trên đó là địa chỉ các đại sứ quán Iraq và Trung Quốc ở châu Âu. Trong một bên túi quần, Regan đã mang theo một chiếc đĩa xoắn ốc có chứa một trang 13 từ ghi các chữ rời rạc như ba bánh, tên lửa và găng tay.., trong ví của Regan có một mẩu giấy với một chuỗi chữ cái và số “5-6-N-V-O-A-I…”.

Cũng phải nói thêm rằng trong gần 7 tháng, từ tháng 8-2001 đến tháng 2-2002, các chuyên gia giải mã của NSA vẫn loay hoay với những dải ký tự loằng ngoằng nên việc giải mã tốn kém rất nhiều thời gian. Bảng mật mã này đã giúp Regan thoát án tử hình mà tòa tuyên án tháng 1-2003. Viện công tố đã chấp nhận giảm án xuống chung thân sau khi Regan đồng ý giải mã và chỉ ra nơi chôn giấu tài liệu .

Nam Bắc Giang

(Dịch từ Theguardian.com - 10/2016)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.