Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lần đầu thảo luận về tình hình Venezuela
Ngày 17-5, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lần đầu tiên tập trung sự chú ý vào khủng hoảng Venezuela sau khi Mỹ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được triệu tập theo yêu cầu của Mỹ. Đại sứ Venezuela tại Liên hiệp quốc Rafael Ramirez ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Mỹ. Ông Ramirez cho rằng, Mỹ đang cố tính khuyến khích tình trạng bạo lực gia tăng tại Venezuela nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro. “Với lập trường của mình, Mỹ đang trở thành một phần trong các vấn đề mà Venezuela đang trải qua, bởi vì nước này đang kích động tình trạng bạo lực, can thiệp vào các vấn đề nội bộ thông qua các tuyên bố, lập trường và áp đặt trừng phạt”, ông Ramirez nêu rõ. “Venezuela sẽ giải quyết những vấn đề của mình thông qua luật và Hiến pháp. Chúng tôi không chấp nhận sự can thiệp hay giám hộ. Venezuela yêu cầu tôn trọng chủ quyền – một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc".
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley cho biết, Mỹ đã đánh giá tình hình cẩn thận sau khi triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Trong khi đó, Đại sứ Uruguay tại Liên hiệp quốc Elbio Rosselli - Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 5 cho rằng, tại thời điểm này, Uruguay tin rằng cuộc khủng hoảng Venezuela nên được giải quyết trong khuôn khổ khu vực.
Venezuela đang phải đối mặt với những diễn biến chính trị phức tạp. Cùng ngày 17-5, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã ra lệnh điều động 2.600 binh sĩ tới bang miền Tây Táchira để thiết lập an ninh, trật tự sau các vụ tấn công của người biểu tình nhằm vào các đơn vị quân đội và cảnh sát.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino López thông báo trong số các binh sĩ được triển khai có 600 người thuộc lực lượng đặc nhiệm. Bộ trưởng López tố cáo hành động của phe đối lập nhằm gây bất ổn tình hình đất nước và phá hoại chính quyền, đồng thời nhấn mạnh chính phủ và lực lượng quân đội sẽ không cho phép đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trước đó, tình trạng bạo lực đã leo thang tại thành phố San Cristóbal, thủ phủ Táchira, và nhiều huyện lân cận trong những ngày vừa qua. Những người biểu tình chống Chính phủ đã tấn công và đốt trụ sở hai đồn cảnh sát và một đơn vị quân đội, cũng như đập phá, cướp bóc tại 20 siêu thị trong khu vực. Theo thống kê, các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ Chính phủ và chống đối trong hơn một tháng qua đã khiến 43 người thiệt mạng.
Trước đó một ngày, Tổng thống Maduro đã ký sắc lệnh tiếp tục kéo dài "tình trạng ngoại lệ và khẩn cấp kinh tế," trong đó hạn chế một số bảo đảm hiến pháp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như một biện pháp để duy trì trật tự nội bộ. Trước đó, hồi đầu tháng này, nhà lãnh đạo Venezuela cũng đã kêu gọi soạn thảo một bản hiến pháp mới, nhưng do một cơ quan được chính người dân lập ra chứ không phải do các đảng phái chính trị tiến hành.
Venezuela đã từng là một trong những nước giàu có nhất Nam Mỹ nhờ các vựa dầu mênh mang của mình song nay đang nhích dần đến sự đổ bể cả về kinh tế lẫn chính trị. Những siêu thị trống trơn hàng hoá và bệnh viện thiếu thuốc men đã đẩy người dân nước này đến cảnh cùng quẫn.
Sự thiếu đa dạng hoá kinh tế chính là nguyên nhân đằng sau những khó khăn kinh tế đang đeo đẳng nền kinh tế Venezuela. Theo các số liệu năm 2015 của Tổ chức các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela có trữ lượng dầu thô đã được thăm dò và xác thực lớn nhất thế giới với trên 300 tỉ thùng. Con số này đã đưa Venezuela vượt Ả Rập Xê Út (266 tỉ thùng), Iran (158 tỉ thùng) và Iraq (142 tỉ thùng).
Có dầu không có nghĩa là có ngay tiền mặt trên thực tế, trong khi Chính phủ Venezuela đã bội chi. Chính quyền của người tiền nhiệm Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro coi mặt hàng vàng đen này là điểm tựa chính của nền kinh tế: trên 90% kim ngạch xuất khẩu và một nửa doanh thu của nước này là từ dầu mỏ. Và khi giá dầu mỏ trượt dốc từ 115 USD/thùng vào năm 2014 hiện nay xuống còn gần nửa mức giá này, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) Venezuela đã giảm 10%. Giá một thùng dầu kể từ năm ngoái cho đến nay lơ lửng ở mức 50 USD/thùng.
Giá dầu không phản ảnh được hết câu chuyện khủng hoảng kinh tế tại Venezuela. Chính sách lấy dầu mỏ làm nguồn thu chính của cựu Tổng thống Chavez càng trở nên tồi tệ hơn dưới thời Tổng thống Maduro, người đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2013. Công ty dầu quốc doanh Venezuela, Petróleos de Venezuela (PDVSA), đã tổ chức đình công vào năm 2002 sau khi vụ đảo chính để phế truất cựu Tổng thống Chavez bất thành. Sau vụ đảo chính này, ông Chavez đã sa thải 18.000 nhân công. Công cuộc thanh lọc này đã đánh dấu việc siết chặt quản lý và vận hành dầu quốc doanh của chính phủ Venezuela.
Đến năm 2006, ông Chavez bắt đầu một xu hướng mạo hiểm khác: đầu tư tối thiểu vào cơ sở hạ tầng và tối đa hoá kiểm soát các mỏ dầu. Hoạt động sản xuất sa sút vì không có công nghệ tiên tiến của các công ty nước ngoài, chưa kể đến nguồn cung như bơm khí đốt thiên nhiên để tách dầu. Năm ngoái, Caracas đã nhập 50.000 thùng dầu thô nhẹ chỉ để pha chế dầu thô nặng xuất khẩu. Nếu không có dầu thô nhẹ, dầu của Venezuela sẽ vô giá trị.
Luật hàng hải chỉ cho phép tàu chạy trên các vùng biển lớn nếu đạt được các tiêu chuẩn về môi trường. Các tàu chở dầu cũ kỹ của Venezuela không đạt được các chuẩn đó. PDVSA còn có hàng loạt vận đơn sạch tồn đọng không thể thanh toán. Theo tổng kết gần đây của hãng tin Reuters, thời gian chờ đợi đối với một số tàu chở dầu này có thể kéo dài đến hai tháng.
Có rất nhiều khả năng khi một cái lắc đầu từ phía đối tác Nga, PDVSA sẽ gặp nhiều rắc rối hơn. Vào tháng 10-2016, Sovcomflot - tập đoàn đường biển quốc doanh của Nga, đơn vị cung cấp 15% các tàu chở dầu của Venezuela từ chối cung cấp tàu chở dầu Venezuela vì vấn đề nợ cước phí chuyên chở. Con số nợ này lên tới 30 triệu USD.
Venezuela nợ tiền hầu khắp thế giới do không có khả năng thanh toán các tàu chở dầu đóng mới tại Iran và các xưởng đóng tàu tại Bồ Đào Nha. Các báo cáo về việc PDVSA không thể chi trả 404 triệu USD vào tháng 11-2016 đối với các trái phiếu đáo hạn vào năm 2021, 2024 và 2035 càng khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện này là Venezuela sẽ vỡ nợ Chính phủ. Năm 2016, Công ty dịch vụ đầu tư Moody's chuyên xếp hạng tín dụng đã thay đổi đánh giá về viễn cảnh kinh tế Venezuela từ ổn định đến tiêu cực vì nguy cơ vỡ nợ của nước này là khá cao.
Người biểu tình dựng chướng ngại vật, phong tỏa các tuyến phố trong cuộc biểu tình chống Chính phủ ở Caracas. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các ngân hàng quốc tế đã từ lâu giữ khoảng cách với Caracas bởi nước này áp dụng chính sách kiểm soát tiền tệ và các doanh nghiệp được chỉ thị mua tiền không phải thông qua các ngân hàng tư nhân mà thông qua Chính phủ. Năm 2014, Venezuela đã vay mượn gần 50 tỉ USD từ Trung Quốc và ước tính là 5 tỉ USD từ Nga khi giá dầu khả quan hơn. Theo thoả thuận, Venezuela sẽ phải hoàn trả các nước cho vay này bằng dầu mỏ và nhiên liệu. Theo báo cáo tổng kết của hãng tin Reuters vào tháng 1-2017 dẫn chứng các tài liệu nội bộ cho thấy các chuyến hàng chuyên chở đã bị trì hoãn đến tận 10 tháng.
Không thể chiết xuất thêm dầu và xuất dầu ít đi nhiều, PDVSA có ít sự lựa chọn để tăng luồng tiền mặt, khiến cuộc khủng hoảng nợ Chính phủ đối với đất nước vốn lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ ngày càng cao hơn.
Cái tên thường được nhắc đến gắn liền với cuộc khủng hoảng Venezuela là Citgo. PDVSA đã mua một công ty tinh chế dầu tại Houston vào thập niên 1980. Cuối năm 2016, công ty quốc doanh này đã sử dùng gần một nửa cổ phiếu của mình ở Citgo để thế chấp vay vốn của công ty Rosneft của Nga. Mặc dù các chuyên gia tài chính hoài nghi về khả năng Nga sẽ tiếp quản Citgo nếu PDVSA không có khả năng hoàn trả số tiền vay này, song các nhà làm luật Mỹ không tin chắc như vậy. Vào tháng 4-2017, các nhà làm luật thuộc Đảng Cộng hoà và Dân chủ tại Washington đã khuyến cáo Tổng thống Donald Trump về các thoả thuận kinh doanh bất thường. Theo các luật sư này, việc Nga thâu tóm công ty Citgo có thể đe doạ đến an ninh quốc gia Mỹ.
Cứu cánh duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela là khả năng tiến hành một cuộc bầu cử sớm hơn hạn định. Các cuộc biểu tình do các phe đối lập dẫn đầu có thể đủ gây sức ép buộc Tổng thống Maduro rời chức trước năm 2019. Khả năng thay đổi đường lối chính trị theo hướng đa dạng hoá kinh tế và sẵn sàng mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài có thể củng cố niềm tin của thị trường và cứu vớt Venezuela khỏi "chết chìm” trong chính biển dầu của mình.
Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc