Iran đứng giữa ngã ba đường trước thềm bầu cử Tổng thống
Những cơ hội xen lẫn thách thức mà Iran đang đồng thời đối diện cùng hàng loạt biến động trong khu vực Trung Đông khiến cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 12 dự kiến diễn ra ngày 19-5 tại nước Cộng hòa Hồi giáo này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Đây được coi là một trong những cuộc bầu cử tổng thống quan trọng nhất trong lịch sử Iran bởi nó sẽ quyết định hướng phát triển trong tương lai của quốc gia Hồi giáo này.
Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani và giáo sĩ Ebrahim Raisi đang nổi lên là 2 ứng cử viên sáng giá có nhiều khả năng giành chiến thắng. Tuy nhiên, đường lối và quan điểm mà hai nhân vật này theo đuổi có nhiều điểm mâu thuẫn, vì vậy đất nước Iran đang đứng trước những lối rẽ khác biệt phụ thuộc vào người nào sẽ trở thành tổng thống.
Đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa) trong chiến dịch vận động tranh cử tại Tehran ngày 13-5. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 12 tại Iran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979 diễn ra trong bối cảnh quốc gia này đang đứng trước nhiều thách thức ở cả trong và ngoài nước.
Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Rouhani, kinh tế Iran đã được thổi những "luồng gió mới" với hầu hết các điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể so với 8 năm có thể coi là yếu kém trong 2 nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Chính phủ của ông Rouhani đã thành công trong kế hoạch giành lại thị phần đã mất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu với sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô hiện ở mức tương đương và cao hơn các mức trước thời điểm bị trừng phạt. Kinh tế Iran đang hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu một cách tích cực với nhiều thỏa thuận thương mại, tài chính, năng lượng được ký kết với một số đối tác ở châu Âu, Nga, các nền kinh tế có tiềm lực mạnh ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khoảng 9,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2016 là kết quả cụ thể của chính sách mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài mà quốc gia Trung Đông này đang tích cực triển khai. Cùng với đó, lạm phát đã giảm mạnh từ khoảng 40% năm 2013 xuống còn 7,5% năm 2016, trong khi tăng trưởng kinh tế đạt 7%.
Đáng kể hơn là việc Iran dần thoát khỏi sự cô lập với vị thế ngày càng được nâng cao, quan hệ với phương Tây cũng đang dần được cải thiện. Chuyến thăm của Tổng thống Rouhani tới Pháp và Italy ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử có hiệu lực không chỉ mang lại cho Iran những hợp đồng kinh tế lớn, mà còn đưa các nước này xích lại gần nhau hơn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh và chính trị ở Trung Đông.
Iran hiện đang là một bên chủ chốt tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, tham gia bảo trợ cho vòng đàm phán hòa bình Syria ở Astana nhằm giúp giảm căng thẳng tại quốc gia này.
Các chính sách điều hành đất nước của Tổng thống Rouhani đã nhận được sự ủng hộ của liên minh gồm các nhân vật ôn hòa và những người theo đường lối cải cách.
Tuy nhiên, kinh tế Iran vẫn tăng trưởng chậm, chưa thực sự phát triển như cam kết của Tổng thống Rouhani cũng như kỳ vọng của người dân Iran do chịu ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này khiến nhiều cử tri hoài nghi vào khả năng vực dậy nền kinh tế của Tổng thống đương nhiệm.
Trong khi đó, tình hình an ninh tại khu vực Trung Đông liên tục biến động khiến Iran luôn phải “căng mình” đối phó và tranh giành ảnh hưởng với các nước “đối thủ” như Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Những vấn đề cơ bản về kinh tế, an ninh, chính trị sẽ là yếu tố quyết định lá phiếu của cử tri Iran.
Tổng thống Rouhani được biết đến là người theo đường lối cải cách, mở cửa, có quan điểm hàn gắn quan hệ với Mỹ và phương Tây. Việc Iran ký kết Thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc vào năm 2015 được coi là một thành tựu lớn của ông trong nhiệm kỳ vừa qua. Nếu tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới, ông Rouhani sẽ có cơ hội tiếp tục tiến hành những dự định cải cách, hội nhập với thế giới của mình.
Ở phía đối lập, ứng cử viên Raisi là người theo chủ nghĩa bảo thủ và có quan điểm dân túy. Ông Raisi đã nắm bắt tâm lý bất mãn của đông đảo người dân Iran về những khó khăn về kinh tế để hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng gấp 3 trợ cấp cho người nghèo và áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Mỹ và phương Tây. “Đưa Iran vĩ đại trở lại,” một khẩu hiệu gợi nhớ đến chính sách mang tính dân túy của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều ứng cử viên tổng thống ở các nước phương Tây, đang được ông Raisi sử dụng như một "lá bài" thu hút cử tri.
Các ứng cử viên đã phơi bày nhiều quan điểm bất đồng và kịch liệt chỉ trích lẫn nhau trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua.
Tổng thống Rouhani công kích các đối thủ có đường lối cứng rắn, gọi họ là “những kẻ cực đoan” và cho rằng họ đang tìm cách phá hoại thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với các cường quốc thế giới. Ông Rouhani khẳng định đối thủ chính trị của mình thiếu kinh nghiệm về ngoại giao và chính trị, sẽ không đủ khả năng đàm phán đưa Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt của quốc tế. Trong khi đó, phe ủng hộ ứng cử viên Raisi cho rằng Chính phủ của ông Rouhani quản lý đất nước yếu kém, chỉ quan tâm đến lợi ích của số ít người giàu, làm cho tình trạng nghèo khó của đất nước thêm trầm trọng và không ngăn chặn được nạn tham nhũng. Phe bảo thủ cũng cho rằng việc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận đạt được với các cường quốc thế giới hồi tháng 7-2015 là "đầu hàng kẻ thù" và tạo ra các nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, Trung Đông đang trong tình trạng bất ổn với nhiều cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát. Cuộc chiến ở Syria, điểm nóng Yemen và cuộc chống khủng bố là những thách thức nghiêm trọng đối với tiến trình phát triển của Iran.
Quan hệ giữa Iran và các nước Arab vùng Vịnh vẫn trong tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" khi các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) không ngừng chỉ trích Iran can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước Arab, cho rằng Tehran đang âm mưu gây bất ổn trong khu vực.
Đối thủ đáng gờm nhất của ông Rouhani là giáo sĩ Ebrahim Raisi. (Ảnh: Reuters) |
Đặc biệt, Iran và Saudi Arabia không còn quan hệ ngoại giao về mặt chính thức sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Ryiadh ở Iran.
Quan hệ giữa Iran và Mỹ đã có những dấu hiệu căng thẳng trở lại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố xem xét lại thỏa thuận hạt nhân và áp dụng một số lệnh trừng phạt mới.
Tới nay, sau hơn một năm thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, Mỹ vẫn duy trì một số hạn chế liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và tài chính, gây khó khăn cho Iran trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Những yếu tố bất lợi này có thể cản trở nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Rouhani.
Bất chấp quan điểm khác biệt giữa các ứng cử viên, dư luận Iran cho rằng người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ thành công trong việc đưa đất nước phát triển ổn định. “Các khó khăn nội bộ của Iran sẽ được giải quyết trong 4 năm tới thông qua đối thoại, hòa giải và gắn kết đất nước. Không nghi ngờ gì về điều này.” - Ông Eshaq Jahangiri, một ứng cử viên ủng hộ đường lối cải cách, khẳng định.
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Iran sắp tới sẽ không làm thay đổi bản chất hệ thống chính trị, nhưng sẽ có ý nghĩa quyết định đến đường hướng xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia này, đặc biệt là Thỏa thuận hạt nhân đã ký kết và mối quan hệ của Iran với Mỹ cũng như các nước láng giềng.
Người ta cũng đang lo ngại sự chia rẽ bè phái tại Iran cũng có thể biến cuộc bầu cử năm nay thành "sân khấu" của những xáo trộn chính trường khu vực.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc