Khối G7 thống nhất mặt trận chung chống chủ nghĩa khủng bố
Ngày 26-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra trong 2 ngày đã khai mạc tại thành phố Taormina trên đảo Sicily ở miền Nam Italy, với trọng tâm là các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, thương mại và các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần này có sự tham dự lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni.
Nguyên thủ các nước chụp ảnh chung tại hội nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Diễn ra trong bối cảnh cộng đồng thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau các vụ tấn công khủng bố tại Anh, Hội nghị năm nay được đặt dưới tình trạng an ninh nghiêm ngặt.
Không phải ngẫu nhiên mà nước Chủ tịch G7 là Italy lại lựa chọn Taormina là địa điểm tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh G7 lần này. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên vốn có, Taormina nằm trên đảo Sicily giữa biển, vì vậy cơ quan chức năng có thể dễ dàng hạn chế, kiểm soát hoạt động ra-vào giới hạn trong 2 tuyến đường thủy và đường không. Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, việc ra vào Taormina đã được tổ chức thành 1 lối vào và 1 lối ra duy nhất với sự kiểm tra, giám sát của quân đội trong khi tất cả các tuyến đường khác đã bị phong tỏa tuyệt đối.
Trong 48 giờ mà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lưu lại tại đây, thị trấn nhỏ xinh đẹp Taormina trên đảo Sicily đã trở thành một "pháo đài thép" với an ninh thắt chặt tới mức tối đa. Sáng 26-5, mọi cá nhân nếu muốn vào thị trấn Taormina đều phải có thẻ chíp đăng ký nhận dạng. Thẻ nhận dạng được quy định thành nhiều loại với các màu khác biệt tùy theo khu vực được tiếp cận.
Các trạm kiểm soát an ninh được trang bị đầy đủ máy dò kim loại, máy phát hiện thuốc nổ và thiết bị xét nghiệm ứng trực 24/24 để sẵn sàng trước mọi tình huống. Thậm chí, những con ngõ nhỏ cũng được các nhân viên giám sát kỹ càng. Các khách sạn, điểm ăn nghỉ cũng không nhận đặt chỗ cho thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh dù vẫn mở cửa hoạt động.
Ngoài người dân địa phương, Taormina giờ đây chỉ có những vị khách đặc biệt là các đại biểu, tùy tùng, nhân viên kỹ thuật, cảnh sát, mật vụ, quân đội và nhà báo. Tất cả những người tham gia và tham dự hội nghị đều được nhận diện qua hình ảnh sinh trắc. Các camera cố định và di động liên tục quét các hình ảnh trên thực địa và tư liệu hình ảnh được gửi về Trung tâm Hành động liên quân đặt tại Quảng trường Palazzo di Santo Stefano. Cách khách sạn San Domenico, nơi diễn ra sự kiện chính 100m, các nhân viên an ninh đã thiết lập một vùng xanh bảo vệ nghiêm ngặt được coi là "bất khả xâm phạm". Nhân viên khách sạn cho biết tần suất kiểm tra an ninh tại vùng xanh có thể lên tới 50 lần/ngày.
Ngoài lực lượng an ninh của nước chủ nhà, các nhân viên của Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) và Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) cũng có mặt để hỗ trợ công tác thông tin và truy cập dữ liệu. Theo số liệu của Ban Tổ chức, để bảo đảm công tác an ninh, khoảng 7.000 nhân viên an ninh, binh sĩ và hơn 100 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đã được huy động cho sự kiện này.
Theo các nhà phân tích, sau vụ tấn công đẫm máu tại Anh ngày 23-5 làm 22 người chết và 64 người khác bị thương, trong đó có nhiều trẻ em, thì hội nghị G7 lần này sẽ dễ dàng đạt được sự đồng thuận trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bất chấp những căng thẳng mới đây giữa Anh và Mỹ sau vụ rò rỉ thông tin liên quan tới các cuộc điều tra về vụ tấn công khủng bố tại Anh. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng là chủ đề đầu tiên được các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận tại Italy ngày 26-5.
Phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels, Bỉ, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, nước chủ nhà Hội nghị G7 cảnh báo, các cuộc thảo luận sẽ không dễ dàng, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đưa quan điểm của các bên lại gần nhau hơn, cũng như để cuộc gặp lần này giữa 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ trở thành “một cuộc họp hữu ích”. “Chúng tôi đang làm việc với nỗ lực cao nhất nhằm gửi đi một thông điệp chung khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất chống chủ nghĩa khủng bố từ Hội nghị G7 lần này", ông Gentiloni nói. "Tại Taormina này, chúng ta sẽ có cơ hội để nhắc lại rằng, những kẻ hèn nhát đang tìm cách phá hoại cuộc sống của những người trẻ sẽ không thể chiến thắng nền tự do của chúng ta”,
Lực lượng an ninh Italia đang tuần tra địa điểm trên đất liền và trên biển. (Ảnh: EPA) |
Dự kiến tại Hội nghị cấp cao G7, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kêu gọi các quốc gia chung tay chống khủng bố, đặc biệt trong lĩnh vực mạng Internet. Trong bối cảnh các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức IS dần mất đi những thành trì quan trọng ở thực địa, thì cuộc chiến dần chuyển sang mặt trận mạng Internet. Bà Theresa May cho rằng các công ty cung cấp dịch vụ mạng phải tham gia tích cực hơn nữa bằng cách thiết lập các công cụ tự động nhận diện và xóa bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố, cực đoan cũng như khóa các tài khoản đăng tải những nội dung này và đó là "trách nhiệm xã hội" của mỗi công ty công nghệ. “Tại hội nghị cấp cao G7 này, tôi sẽ dẫn đầu cuộc thảo luận về chống khủng bố và cách chúng ta cùng làm việc để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố qua mạng, cũng như ngăn chặn sự lan rộng của hệ tư tưởng cực đoan hận thù trên mạng xã hội. G7 và NATO sẽ cho phép chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn để đánh bại chủ nghĩa khủng bố tàn bạo”, bà May nói.
Tuy nhiên, vấn đề lại hoàn toàn khác đối với các cuộc thảo luận về khí hậu hay thương mại quốc tế, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu đạt được cuối năm 2015. Theo các nhà phân tích, dù điều này không thể ngăn cản một số nước, trong đó có Italy, Pháp hay Đức làm nổi bật tầm quan trọng của thỏa thuận Pari, song cũng không thể tạo ra sự khác biệt so với những lần gặp trước đó.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cảnh báo, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ rất phức tạp, trong khi gần như toàn bộ nền ngoại giao châu Âu đều đang được huy động để thúc đẩy Mỹ đi cùng một hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài những vấn đề trên, các lãnh đạo G7 dự kiến thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine, an ninh hàng hải, an ninh lương thực cũng như vấn đề di cư. Ngày 27-5, G7 tổ chức một phiên họp tập trung thảo luận về sự đổi mới và phát triển tại châu Phi với các nhà lãnh đạo đến từ Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia cũng như những người đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc