Đánh bom ở Kabul: Bài toán an ninh cho Afghanistan chưa có lời giải
Đến nay, người dân Afghanistan vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ khủng bố đẫm máu xảy ra sáng 31-5 nhằm vào một trong những khu vực được xem là an ninh nhất ở thủ đô Kabul, nơi tập trung nhiều Đại sứ quán, trụ sở các Bộ, ngành và dinh Tổng thống. Theo số liệu thống kê mới nhất, vụ tấn công đã làm ít nhất 90 người thiệt mạng và 463 người khác bị thương.
Trong một thông báo tối 31-5, Hội đồng An ninh quốc gia Afghanistan (NDS), cơ quan tình báo chính tại nước này, đã cáo buộc mạng lưới Haqqani thực hiện vụ tấn công đẫm máu này. Hiện mạng lưới Haqqani chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin trên.
Mạng lưới Haqqani có quan hệ với nhóm phiến quân Taliban, hoạt động chủ yếu tại các tỉnh miền Đông và thủ đô Kabul của Afghanistan, chịu trách nhiệm tiến hành nhiều vụ tấn công nhằm vào các quan chức cấp cao của các lực lượng an ninh.
Hiện trường vụ nổ bom ở Kabul. Ảnh: Reuters |
Vụ nổ xảy ra đúng giờ cao điểm khi các nhân viên công sở bắt đầu đi làm, một chiếc xe ô tô cài bom đã phát nổ ngay trước lối vào “khu vực Xanh”, được bảo đảm an ninh gần như nghiêm ngặt nhất ở thủ đô Kabul. Đây là nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài như Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Đức. Theo Bộ Nội vụ Afghanistan, vụ nổ có sức công phá lớn, đã tạo ra một hố sâu tới 4m, làm hàng chục ô tô quanh đó bị hư hại. Cửa kính tại những khu vực cách đó bán kính 1km đều bị vỡ.
Vụ tấn công xảy ra đúng 5 ngày trước khi bắt đầu tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo và đây cũng là thời điểm mà các nhóm nổi dậy tại Afghanistan, trong đó có nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường gia tăng các vụ tấn công.
Phái bộ hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan, với 13.500 binh sĩ, trong đó hơn 8.000 là binh sĩ Mỹ đã lên án mạnh mẽ thủ phạm vụ tấn công, gọi chúng là “những kẻ đạo đức giả” khi nhiều lần tuyên bố chỉ nhằm vào các mục tiêu của lực lượng an ninh Afghanistan và quân đội nước ngoài song lại vẫn tiếp tục gây thương vong và đau khổ cho những người dân Afghanistan vô tội, đồng thời nhấn mạnh, vụ tấn công đã cho thấy bản chất dã man của những kẻ khủng bố.
Đối với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, vụ tấn công này là một “tội ác chiến tranh”. “Tôi xin bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân sau vụ tấn công này. Đây là một hành động tàn bạo, một sự kiện đau thương và đáng bị lên án trong tháng lễ Ramadan”, ông Ghani nhấn mạnh.
Chính phủ nhiều nước đã lên án vụ đánh bom đẫm máu này.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên trang Twitter cá nhân đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom và bày tỏ chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Thủ tướng Modi tái khẳng định cam kết của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tuyên bố Ấn Độ sát cánh với Afghanistan trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi trong một tuyên bố đã ngỏ lời chia buồn tới chính phủ và đất nước Afghanistan. Ông cho biết Iran sẽ luôn sát cánh với Afghanistan trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng đã lên án vụ đánh bom trên. Ông cho biết các nhân viên tại Đại sứ quán Đức ở thủ đô Kabul đã bị thương và một nhân viên bảo vệ người Afghanistan đã thiệt mạng trong vụ nổ bom này.
Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Hugo Llorens lên án vụ đánh bom không "thèm đếm xỉa" đến mạng sống con người, đồng thời cho rằng những kẻ đứng đằng sau vụ này xứng đáng bị "trừng trị".
Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bulgaria đều thông báo đại sứ quán của họ ở Kabul đều bị hư hại trong vụ nổ này.
Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh Afghanistan chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình, an ninh và hòa giải vào ngày 9-6 tới với sự tham dự của gần 20 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Saudia Arabia, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu.
Theo kế hoạch, hợp tác chống khủng bố sẽ là một trong những vấn đề chủ chốt được thảo luận tại hội nghị lần này.
Lực lượng an ninh làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ đánh bom ở Kabul ngày 31-5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kể từ khi các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, bạo lực ngày căng gia tăng trong bối cảnh lực lượng an ninh quốc gia Tây Nam Á này nỗ lực chống lại làn sóng tấn công của các tay súng Taliban và các nhóm phiến quân khác.
Có thể nói tình hình an ninh hiện nay tại Afghanistan khá hỗn loạn. Chính phủ đã mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, trong khi các nhóm phiến quân và khủng bố lại đang hoạt động ngày càng mạnh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện có tới 8 triệu người Afghanistan phải sống trong những khu vực do nhóm phiến quân Taliban kiểm soát, tức là gần 1/4 dân số nước này. Con số này năm 2016 là 3,4 triệu người.
Ngoài Taliban, từ năm 2015, Afghanistan cũng chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hoạt động tại nước này dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo của Khorosan - khu vực trước đây bao gồm Afghanistan, một phần Iran, Pakistan và Trung Á.
Nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn của cả quân đội Afghanistan và NATO tiến hành đã được phát động nhằm đẩy lùi các nhóm nổi dậy, song đều chưa thu được kết quả rõ rệt. Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có 36 nhân viên an ninh Afghanistan thiệt mạng hoặc bị thương. Trong năm 2016, số lượng thương vong dân sự chưa bao giờ cao như thế kể từ các cuộc điều tra được Liên hiệp quốc tiến hành năm 2009.
Trung tâm nghiên cứu phân tích mạng (AAN), có trụ sở tại thủ đô Kabul hôm 23-5 vừa qua công bố một nghiên cứu, trong đó nhận định các nhóm nổi dậy có thể thay đổi chiến thuật, tấn công chớp nhoáng và di chuyển mục tiêu tới các trung tâm đô thị. Cảnh báo đưa ra chỉ 8 ngày trước khi diễn ra vụ đánh bom ở Kabul.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc