Đồng thuận hiếm thấy ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong trừng phạt Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 2-6 đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này. Đây là nghị quyết đầu tiên của Liên hiệp quốc về trừng phạt Triều Tiên được cả Mỹ và Trung Quốc ủng hộ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Theo kết quả bỏ phiếu, toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 14 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào “danh sách đen” của Liên hiệp quốc.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley cho biết: “Hội đồng Bảo an đang gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng đối với Triều Tiên, hãy dừng các chương trình tên lửa đạn đạo bằng không sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt. Các thành viên của Hội đồng Bảo an trong đó có cả 3 quốc gia láng giềng của Triều Tiên, đều đồng ý rằng, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là mối nguy đối với an ninh và hòa bình thế giới. Cộng đồng thế giới cần có phản ứng. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng sẽ cùng nhau hành động và gia tăng áp lực để buộc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.
Biểu quyết thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ảnh: Reuters |
Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an diễn ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ và Trung Quốc đạt được một nghị quyết liên quan đến Triều Tiên.
Hiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc nhằm kìm hãm chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông Trump từng cảnh báo vẫn để ngỏ các giải pháp trên bàn đàm phán nếu Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tháng trước, chính quyền Mỹ đã đề xuất áp những lệnh trừng phạt mạnh hơn như lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm vận chuyển hàng hải, hạn chế mậu dịch và cản trở Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc chỉ xem xét bổ sung các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nếu như Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân. Phía Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vẫn ủng hộ một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc cho biết: “Trung Quốc luôn phản đối sự hỗn loạn và xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc đề xuất một phương pháp gồm 2 giải pháp vừa thúc đẩy tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa vừa thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành bỏ phiếu kín về nghị quyết này, song Mỹ đã thuyết phục được Trung Quốc đồng ý tiến hành bỏ phiếu công khai, nhằm nhấn mạnh sự phản đối của Hội đồng Bảo an trước thái độ của Triều Tiên bất chấp lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo của Liên hiệp quốc.
Nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt được thông qua sau một loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong những tháng gần đây. Những vụ thử thành công cho thấy Triều Tiên không ngừng tiến bộ trong phát triển các loại tên lửa khác nhau, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.
Hội đồng Bảo an lần đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vào năm 2006 và với nghị quyết vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an đã thông qua tổng cộng 7 nghị quyết để đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3-6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 được phóng thử từ vùng Pukchang thuộc một tỉnh miền tây Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố, ông Abe nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh (Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc) nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Triều Tiên không tiến hành thêm những hành động khiêu khích như thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo". Ông Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan nhằm tăng cường sức ép lên Triều Tiên và bảo đảmviệc thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Bên cạnh đó, ông Abe cho biết Nhật Bản sẽ đề nghị Triều Tiên có những biện pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề liên quan tới nước này, trong đó có vụ bắt cóc các công dân Nhật Bản.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson rằng hai nước sẽ phối hợp nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới tại thành phố Kanazawa, ông Kishida cho biết hai ngoại trưởng cũng nhất trí tiếp tục hối thúc Trung Quốc và Nga nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn Triều Tiên có thêm các hành động khiêu khích, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nước này trong việc giải quyết bất đồng liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Như Hồng (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc