Multimedia Đọc Báo in

Châu Á – Thái Bình Dương đối phó nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19

10:57, 02/08/2020
Từng là khu vực phản ứng hiệu quả nhất với dịch Covid-19 song nay nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước thách thức của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai…
 
Diễn biến dịch Covid-19 những ngày qua cho thấy, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có những quốc gia đầu tiên bị vi rút Sars-CoV-2 tấn công, đồng thời là các quốc gia đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh, ngày càng có nhiều ca mắc mới và ca mắc không rõ nguồn gốc.
 
Trung Quốc đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 lây lan trong cộng đồng cao nhất kể từ đầu tháng 3 tại khu vực Tân Cương. Đặc biệt là dịch xuống phía nam, tại đặc khu hành chính Hong Kong đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới trong những ngày qua. Sự gia tăng này diễn ra sau khi Hong Kong dường như hoàn toàn không còn bóng dáng vi rút Sars-CoV-2, đang nới lỏng các lệnh hạn chế và bắt đầu thảo luận về "bong bóng du lịch" (thuật ngữ mang ý nghĩa chỉ các thỏa thuận đặc biệt giữa các quốc gia/khu vực mà theo đó, khách du lịch giữa các quốc gia/khu vực này được phép đi lại mà không phải cách ly) với các nơi khác trên thế giới hậu đại dịch. 
 
Nhật Bản cũng đang ghi nhận những số liệu tồi tệ nhất kể từ giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát với hàng nghìn ca mắc mới. Australia cũng đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Quốc gia này chỉ có rất ít ca mắc trong đầu tháng 6 nhưng số ca mắc lại đột ngột tăng cao vào cuối tháng 6 và bùng nổ vào tháng 7, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Victoria ở phía nam.
 
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 19-7 vừa qua.  Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 19-7 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN
Covid-19 tái bùng phát mạnh là lý do khiến chính quyền nhiều quốc gia và địa phương bắt đầu áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội như cấm tụ tập đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác như rửa tay thường xuyên, duy trì khoảng cách tiếp xúc.
 
Kể từ ngày 29-7, Chính phủ Nhật Bản triển khai xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19 bằng phương pháp kháng thể sử dụng mẫu nước bọt đối với những người nhập cảnh vào Nhật Bản.
 
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, phương pháp xét nghiệm mới sẽ rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực xét nghiệm tại sân bay, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế.
 
Giới chức Nhật Bản hy vọng, việc áp dụng các phương pháp xét nghiệm mới sẽ góp phần giải quyết vấn đề khôi phục hoạt động kinh tế đồng thời kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.
 
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định hôm 27-7 rằng, đại dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp công cộng "nghiêm trọng nhất" mà tổ chức này từng phải đối mặt, giữa bối cảnh một số quốc gia từng được cho là kiểm soát thành công dịch bệnh nay đang chứng kiến số ca mắc mới tăng vọt.

Trong khi đó, theo quyết định mới nhất của chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong, từ ngày 29-7, toàn bộ cư dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn chặn vi rút Sars-CoV-2 lây lan. Cụ thể, người dân Hong Kong bắt buộc đeo khẩu trang khi rời nhà, các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Ngoài ra, cấm mọi hình thức tụ tập từ 2 người trở lên (nếu không phải người trong cùng gia đình) tại nơi công cộng và người vi phạm sẽ bị phạt tới 5.000 đô la Hong Kong (625 USD).

Ngày 27-7, giới chức bang Victoria (Australia) cảnh báo gia hạn lệnh phong tỏa sau khi ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay. Thống đốc bang Victoria Daniel Andrews đã khuyến cáo người dân không đi làm khi thấy có các biểu hiện như đau họng, đau đầu, sốt và sổ mũi. Tại cuộc họp báo được phát trên truyền hình, ông Andrew nhấn mạnh biện pháp phong tỏa sẽ không kết thúc chừng nào người dân còn tiếp tục đi làm ngay cả khi có những triệu chứng kể trên. Ông cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến số ca mắc mới không ngừng gia tăng. Chính quyền bang này cũng đã ban bố lệnh phong tỏa vùng đô thị Melbourne trong 6 tuần và áp dụng biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc tại thành phố này.
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ là “một làn sóng lớn” chứ không mang tính mùa vụ như cúm thông thường. Theo cơ quan này, số ca nhiễm vi rút Sars-CoV-2 trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong những tuần qua. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch vẫn đang tăng tốc. Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo, người dân ở các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là đã kiểm soát được đại dịch vẫn phải đặc biệt cảnh giác bởi dịch có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào.
 
Ông Mike nhấn mạnh: “Một điều có thể thấy rõ ràng là khi chúng ta áp đặt các biện pháp hạn chế, số người nhiễm bệnh đã giảm xuống. Khi chúng ta nới lỏng thì số người nhiễm bệnh có thể tăng trở lại. Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là chúng ta đối phó với đỉnh dịch thứ hai hay là đang ở giữa làn sóng thứ nhất và thứ hai của dịch mà là việc chúng ta áp đặt các biện pháp khống chế dịch bệnh như thế nào”.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.