Multimedia Đọc Báo in

Tìm cách "chung sống" an toàn với Covid-19

09:20, 23/10/2020

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm ngày càng tăng tại nhiều nước trên thế giới. Trước tình hình này, nhiều nước đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn là làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh mà không phải trả cái giá quá đắt về kinh tế - xã hội do biện pháp phong tỏa.

Covid-19 bùng phát mạnh, châu Âu bắt đầu tái phong tỏa

Số ca mắc Covid-19 trên thế giới đang tăng vượt các mức từng ghi nhận trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Làn sóng lây nhiễm mới tại châu Âu rất đáng lo ngại khi hơn 50% các nước Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cảnh báo đỏ về Covid-19.

Ngày 19-10, Cộng hòa Ireland thành nước châu Âu đầu tiên thông báo sẽ tái phong tỏa đất nước trong vòng 6 tuần. Theo đó, bắt đầu từ nửa đêm ngày 21-10, toàn bộ đất nước Ireland sẽ bị đặt dưới lệnh phong tỏa trong thời gian 6 tuần. Ngoài Ireland, vùng xứ Wales thuộc Vương quốc Anh trong ngày 19-10 cũng công bố biện pháp tương tự, khi phong tỏa dân chúng trong vòng 2 tuần, kể từ ngày 23-10.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 20-10 đã áp đặt các lệnh hạn chế ở mức độ cảnh báo cao nhất đối với gần 3 triệu dân ở vùng đô thị Manchester ở phía Bắc. Theo đó, toàn bộ vùng đô thị tập trung quanh thành phố Manchester (Greater Manchester) với 2,8 triệu dân sẽ chính thức bị đặt dưới các lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ 0 giờ ngày 23-10. Tuy không khắc nghiệt bằng các lệnh phong tỏa hồi tháng 3-2020 nhưng đây cũng là các biện pháp nghiêm ngặt nhất mà Chính phủ Anh quy định trong hệ thống cảnh báo 3 cấp độ mới đưa ra tuần trước. Trước vùng Manchester, vùng Merseyside ở Tây Bắc, với thành phố Liverpool là trung tâm, cũng đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế này. Tổng cộng, hiện có 10% dân số Anh, tương đương 6 triệu người, đang bị đặt trong lệnh phong tỏa. Hiện tỷ lệ lây nhiễm (R) tại Anh là khoảng 1,5, tức 10 người mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho 15 người khác.

Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại một trường học ở Antwerp, Bỉ.    Ảnh: AFP/TTXVN
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại một trường học ở Antwerp, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Bỉ cũng tuyên bố, diễn biến dịch Covid-19 tại nước này hiện nghiêm trọng hơn đợt dịch đầu năm và Bỉ đang là vùng có mức độ lây nhiễm cao nhất châu Âu. Từ đêm 19-10, chính quyền Bỉ bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm từ 0 – 5 giờ sáng, đồng thời ra lệnh đóng cửa toàn bộ các nhà hàng, quán bar trên toàn đất nước trong vòng 4 tuần.

Ngày 19-10, Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 2 tuần nhằm áp đặt lệnh phong tỏa một phần khu vực trong và lân cận thủ đô Madrid, đồng nghĩa với việc người dân vẫn có thể ra khỏi nhà nhưng không được ra khỏi thành phố.

Tại vùng Lombardy ở miền Bắc Italy, ngày 20-10, chính quyền thông báo đang chuẩn bị áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, biện pháp được xem là nghiêm ngặt nhất để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, lệnh giới nghiêm, kéo dài từ 23 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, sẽ được thực thi đến hết ngày 13-11. Những ngày qua, Italy đã ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới và Lombardy là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại quốc gia Nam Âu này.

Giới chuyên gia y tế cảnh báo trong những ngày tới, biểu đồ dịch bệnh sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, đặc biệt mạnh tại châu Âu, với “nguy cơ kép” của dịch cúm mùa và Covid-19 vào mùa đông, nhất là dịp lễ Giáng sinh, đang đến gần. Bệnh cúm và Covid-19 song hành có thể gây thách thức lớn cho hệ thống y tế do hai bệnh về hô hấp này có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Bên cạnh đó, các bệnh viện sẽ có nguy cơ quá tải bởi những người mắc các bệnh khác không thể chung giường bệnh với bệnh nhân Covid-19.

Ngoài châu Âu, số ca mắc và nhập viện tại Mỹ cũng đang gia tăng trở lại, khiến dư luận lo ngại đây có thể là khởi đầu của làn sóng dịch thứ ba. Ấn Độ vẫn tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh với tốc độ lây nhiễm cao. Trong khi đó, tại một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia…, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.

Những lựa chọn khó khăn

Trước tình hình này, nhiều nước đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn là làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh mà không phải trả cái giá quá đắt về kinh tế - xã hội do biện pháp phong tỏa.

Khi thế giới chưa tìm ra thuốc điều trị và vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả, nhiều nước đang kiên trì áp dụng hằng ngày các bước tìm kiếm, truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị ca bệnh. Đây là mô hình chống dịch thành công của một số quốc gia trong giai đoạn đầu chống dịch, như Việt Nam.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Covid-19 sẽ gây ra “những vết sẹo lâu dài” đối với nền kinh tế toàn cầu như tăng trưởng năng suất thấp, trong khi gánh nặng nợ nần, bất ổn tài chính, bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng.

Do đó, ưu tiên của nhiều chính phủ giữa làn sóng dịch mới là vừa chống dịch vừa hạn chế tác động của các biện pháp phòng dịch đối với kinh tế và xã hội. Chính phủ nhiều nước đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, khẩn trương khoanh vùng và dập dịch, tránh quay trở lại biện pháp “đóng băng” toàn bộ nền kinh tế như giai đoạn đầu. Nâng cấp độ cảnh báo, áp đặt lệnh giới nghiêm, phong tỏa một phần tại những “vùng đỏ”, đóng cửa các quán bar và nhà hàng tụ tập đông người, hạn chế số lượng người tại các rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, bắt buộc đeo khẩu trang... là những biện pháp được nhiều nước áp dụng.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Quảng trường del Duomo ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Quảng trường del Duomo ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù đại dịch gây sức ép lớn đối với nhiều chính phủ và cộng đồng, cũng như đe dọa đẩy nhiều người rơi vào cảnh cùng cực, song những bài học bùng phát làn sóng lây nhiễm mới từ tâm lý lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, hay vội vàng mở lại nền kinh tế khi chưa bảo đảm được các điều kiện an toàn, cho thấy thế giới không thể “sốt ruột” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nói cách khác, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo thế giới sẽ chứng kiến ca mắc thứ 45 triệu hay thậm chí 50 triệu trong thời gian còn lại của năm 2020, tìm cách chung sống an toàn với vi rút SARS-CoV-2 bằng tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của các chính phủ, cộng đồng và mỗi người dân vẫn được coi là giải pháp tối ưu.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc