Multimedia Đọc Báo in

"Chạy đua" lên kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19

09:11, 11/12/2020

Nước Anh hôm 2-12 đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.

Vắc xin phòng chống Covid-19 của công ty Pfizer phối hợp với đối tác Đức là BioNTech sản xuất đã được Cơ quan quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ngày 8-12, Anh đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã gọi ngày này là "V-Day" (dựa theo tên gọi Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai). Đợt tiêm chủng này ưu tiên những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch, những người sống và làm việc tại các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mỗi người sẽ được tiêm 2 liều theo tiêu chuẩn, cách nhau 14 ngày.

Các nước khác cũng đang gấp rút đặt mua và lên kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Chính phủ Thụy Sĩ dự kiến khởi động chiến dịch tiêm vắc xin vào đầu tháng 1-2021 và dự định mùa hè tới sẽ tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số 8,5 triệu dân. Đến nay, Thụy Sĩ đã có hợp đồng mua tổng cộng 13 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 từ hai nhà cung cấp vắc xin và thông qua chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các bang sẽ quyết định nơi cung cấp dịch vụ tiêm chủng như cơ sở y tế, nhà thi đấu và cơ sở quân sự. Các nhóm nguy cơ cao được ưu tiên tiêm phòng, bên cạnh những người cao tuổi và người có bệnh lý nền như người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi mãn tính hoặc huyết áp cao.

Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi, người Anh) là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi, người Anh) là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech.

Israel thông báo đã ký kết thỏa thuận mua 6 triệu liều vắc xin từ công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết số lượng vắc xin trong thỏa thuận mới ký kết gấp 3 lần số lượng trong thỏa thuận ban đầu. Do một chu trình chủng ngừa đầy đủ bao gồm 2 liều nên số lượng vắc xin mới được ký kết sẽ giúp Israel có đủ vắc xin để tiêm cho 3 triệu người dân.

Tây Ban Nha dự định sẽ tiêm phòng cho ít nhất 1/3 trong tổng số 47 triệu dân tại quốc gia này trước tháng 6-2021. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết nhóm được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn đầu gồm các nhân viên y tế, những người già ở các viện dưỡng lão và các nhân viên chăm sóc. Mục tiêu là khoảng 2,5 triệu người sẽ được chủng ngừa trong giai đoạn đầu kéo dài khoảng 2 tháng này. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 6, với mục tiêu tiêm phòng cho khoảng từ 15 đến 20 triệu dân.

Ngày 8-12, Chính phủ Hàn Quốc công bố đã đặt mua xong 44 triệu liều vắc xin Covid-19. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc từng công bố đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin, tương ứng cho 60%  dân số. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tới quá trình phát triển vắc xin vẫn chưa kết thúc, những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình tiêm chủng, chính phủ nước này quyết định đặt dư thêm 14 triệu liều. Dự kiến vắc xin sẽ lần lượt được nhập vào Hàn Quốc từ tháng 2 năm sau. Chính phủ sẽ cân nhắc tổng hợp tình hình, như diễn biến dịch Covid-19, tình hình tiêm chủng tại nước ngoài để quyết định thời điểm tiêm vắc xin trong nước.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhằm đảm bảo những người Mỹ có quyền ưu tiên tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 trước khi chính phủ hành động nhằm tạo điều kiện cung cấp vắc xin cho các nước khác. Trước đó, giới chức Mỹ ngày 1-12 thông báo sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin cho hàng triệu công dân, sớm nhất là từ giữa tháng 12. Theo đó, cố vấn hàng đầu của chương trình "Triển khai chiến dịch tiêm chủng" của chính quyền Tổng thống Trump cho biết 20 triệu người dân có thể sẽ được tiêm vắc xin vào cuối năm 2020 và đến giữa năm 2021, hầu hết người dân Mỹ có thể tiếp cận được với các loại vắc xin hiệu quả cao.

Công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech vừa được đảm bảo khoản tài trợ bổ sung trị giá hơn 500 triệu USD để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, giữa bối cảnh Bắc Kinh đang trong cuộc chạy đua với nhiều nước trên thế giới để tung ra một loại vắc xin nhằm kiểm soát được vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Doanh nghiệp này dự kiến có thể sản xuất 600 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay.

Mặc dù các cơ quan quản lý trên thế giới vẫn chưa cho phép phân phối đại trà các loại vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, nước này vẫn phê duyệt lưu hành khẩn cấp một số ứng viên vắc xin tiên tiến của mình. Các loại vắc xin của Sinovac và Sinopharm đã được Chính phủ Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 7-2020. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thêm 5 loại vắc xin ngừa Covid-19 từ bốn nhà sản xuất trong nước đang được thử nghiệm ở hơn 10 quốc gia khác.

Trước tình hình các nước gấp rút lên kế hoạch tiêm ngừa vắc xin Covid-19, WHO khuyến nghị để chương trình chủng ngừa vắc xin được tiến hành hiệu quả, các quốc gia cần chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và tin tưởng lợi ích của vắc xin, thay vì bắt buộc người dân phải thực hiện. WHO khẳng định các quốc gia có quyền quyết định sẽ triển khai các chiến dịch chủng ngừa Covid-19 của mình như thế nào. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo việc yêu cầu chủng ngừa bắt buộc có thể là cách làm sai, phản tác dụng vì từng xảy ra việc tâm lý phản đối gia tăng khi người dân bị buộc đi chủng ngừa.

Trước đó, WHO cũng cảnh báo chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng vắc xin sẽ không thể đẩy lùi đại dịch. WHO kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vắc xin phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan khẳng định có vắc xin không đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ bị đẩy lùi. Việc có vắc xin và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.