Công bằng trong cung cấp vắc xin ngừa Covid-19: Biện pháp giúp chung sống an toàn với đại dịch
Trước tình trạng các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện ngày một nhiều và đang lan rộng ra toàn thế giới, các nước phải đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 nhằm đối phó với sự phức tạp của dịch bệnh.
Đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 1 tháng qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát hồi đầu năm ngoái. Riêng trong tuần đầu tháng 2, số ca mắc mới Covid-19 trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1-2021 là 743.000 ca.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 ở một số điểm nóng đang có chiều hướng giảm nhưng sự xuất hiện của một loạt biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với chủng gốc, thậm chí một số biến thể chứa đột biến được cho có thể kháng các loại vắc xin đang lưu hành, đã buộc một loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại. Tính đến ngày 16-2, biến thể của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 8 nước/vùng lãnh thổ so với tuần trước đó. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi đến nay đã xuất hiện tại 46 quốc gia và biến thể phát hiện tại Brazil đã xuất hiện tại 21 nước. Tỷ lệ lây nhiễm của biến thể mới cao hơn ít nhất 35 - 45% so với các biến thể thông thường và mức độ lây lan của biến thể mới cứ 10 ngày lại tăng gấp đôi.
Cùng với các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế đi lại, các chiến dịch tiêm chủng cũng đang được đẩy nhanh trên toàn cầu. Israel hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin với hơn 40% dân số, trong đó có khoảng 2,3 triệu người đã tiêm xong cả 2 mũi.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhật Bản ngày 17-2 đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, bắt đầu với các nhân viên viên y tế trước khi mở rộng chủng ngừa cho người cao tuổi và những đối tượng có bệnh lý nền. Trong khi đó, vào hôm 16-2, Nhà Trắng cho biết sẽ tăng lượng vắc xin cung cấp mỗi tuần cho các bang của Mỹ lên 13,5 triệu liều, cũng như tăng gấp đôi lượng vắc xin chuyển đến các hiệu thuốc lên 2 triệu liều. Tính đến nay, Mỹ đã phân bổ 53 triệu liều vắc xin, trong đó 14 triệu người đã tiêm liều thứ hai.
Giới chuyên gia cho rằng việc các nước giàu dự trữ vắc xin ngừa Covid-19 sẽ chỉ kéo dài tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đồng thời cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc vắc xin" có thể khiến sáng kiến COVAX nhằm phân phối vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vắc xin trong một vài năm tới.
|
Các nước thành viên ASEAN cũng đang tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19. Từ giữa tháng 1, Indonesia đã chính thức triển khai giai đoạn 1 của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí phòng Covid-19 cho các nhân viên y tế và công chức với 3 triệu liều vắc xin do hãng Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Số liệu cập nhật của Chính phủ Indonesia cho thấy, đã có gần 800.000 người được tiêm mũi đầu tiên. Theo giới chức nước này, 25 triệu liều vắc xin khác dự kiến sẽ được sản xuất vào cuối tháng 3 tới với các nguyên liệu do Sinovac cung cấp. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 270 triệu người trong vòng 15 tháng. Các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Myanmar, Lào… đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho nhóm cán bộ tuyến đầu và dự kiến hoàn tất chương trình tiêm phòng cho toàn bộ dân số vào cuối năm hoặc quý 1 năm tới. Tại Việt Nam, 120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nano Covax sản xuất trong nước cho 60 tình nguyện viên đã hoàn tất. Qua đánh giá bước đầu, các chuyên gia cho biết vắc xin Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với vi rút SARS-CoV-2, kể cả biến thể mới. Quá trình thử nghiệm giai đoạn hai đã được khởi động. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ưu tiên nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19.
Thách thức trong việc cung cấp vắc xin công bằng
Tuy nhiên, vấn đề cung cấp vắc xin công bằng vẫn được xem là thách thức khi mà hơn 3/4 số vắc xin được giao là ở 10 quốc gia giàu nhất thế giới, trong khi khoảng 130 quốc gia - với tổng số 2,5 tỷ dân, chưa được tiêm vắc xin. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã liên tiếp nhắc lại lời cảnh báo rằng trong bối cảnh vi rút và các biến thể của SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới, an ninh toàn cầu chỉ có thể được đảm bảo khi mọi người được bảo vệ như nhau.
Trong một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí chuyên ngành y khoa Lancet số ra ngày 13-2, giới chuyên gia dịch tễ đưa ra cảnh báo việc tìm ra các loại vắc xin mới ngừa Covid-19 sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch nếu tất cả các nước trên thế giới không được nhận vắc xin một cách nhanh chóng và công bằng. Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù có tới hơn 20 loại vắc xin ngừa Covid-19 được phát triển hoặc phê duyệt lưu hành, song các nước có thu nhập thấp hơn vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn về mặt hậu cần để mua được vắc xin và phân phối cho người dân, trong đó có vấn đề thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu về vận chuyển và bảo quản, đặc biệt là các loại vắc xin mRNA đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh trong suốt quá trình phân phối. Đó là chưa kể thực tế dù đầu tư công và tư vào vắc xin ngừa Covid-19 hiện ở mức chưa từng có tiền lệ, song ước tính COVAX vẫn cần thêm 6,8 tỷ USD trong năm 2021 để có thể đảm bảo cung ứng vắc xin cho 92 quốc gia đang phát triển.
Giới chuyên gia kêu gọi các nhà sản xuất tăng tốc chuyển giao công nghệ để giúp các quốc gia đang phát triển sản xuất vắc xin trong nước, cũng như kiểm soát giá cả đối với các loại vắc xin được cho là "đắt tiền" hiện nay trên thị trường.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc