Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19: Tìm cách ứng phó với các biến thể mới
Vi rút SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện các biến thể mới, các nhà khoa học đang tập trung theo dõi nhằm đánh giá khả năng lây lan và nhất là liệu các biến thể có làm giảm hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 hay không.
Những biến thể đáng lo ngại
Hiện tại, thế giới đang tập trung vào biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng số ca mắc bệnh gần đây ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang theo dõi những biến thể khác đang trỗi dậy như Lambda và Epsilon.
Biến thể Lambda, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru, đã lây lan nhanh chóng ở khu vực Nam Mỹ và xuất hiện ở ít nhất 29 quốc gia trong những tháng gần đây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm Lambda vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” vào ngày 14-6. Theo WHO, Lambda mang một số đột biến có liên quan đến việc tăng khả năng lây nhiễm và chống lại khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, WHO cho biết cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối đe dọa của biến thể Lambda và những biến thể khác đang lưu hành.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 23-6-2021. |
Các biến thể hiện đang nằm trong danh sách “biến thể đáng lo ngại” là Alpha, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh; Beta được xác định ở Nam Phi; Gamma, lần đầu được tìm thấy ở Brazil và Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.
Theo ước tính, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 55% so với biến thể Alpha. Có bằng chứng cho thấy các biến thể Beta và Delta có một số tác động đến khả năng bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19, dù vắc xin được cho là vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng do tất cả các biến thể.
Nhiều nước điều chỉnh chiến lược
Trong bối cảnh các ca nhiễm tăng cao, biện pháp chung của hầu hết các nước vẫn là thắt chặt các hạn chế đi lại để kiềm chế biến thể Delta lây lan.
Indonesia đang là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày và là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Indonesia tiếp tục chốt chặn trên các tuyến đường giao thông tại các địa phương thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng. Các nước như Philippines, Singapore tiếp tục kiểm soát biên giới, hạn chế nhập cảnh để ngăn ngừa rủi ro.
Trước sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Delta, nhiều nước châu Âu, Mỹ đã đưa ra các biện pháp ứng phó như tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng hay thậm chí gia hạn lệnh tình trạng khẩn. Pháp và Hy Lạp thông báo áp đặt trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để kiềm chế số ca nhiễm mới gia tăng; Peru quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia cho đến hết tháng 8 tới…
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Bogor, Indonesia. |
Tuy nhiên, một số nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 như Israel, Anh, Mỹ, Singapore đang điều chỉnh chiến lược chống dịch. Từ bỏ “ảo tưởng” đẩy lùi dịch bệnh, đưa số ca mắc về 0, các nước lên kế hoạch sẽ “sống chung với COVID-19” với mức độ lây nhiễm được kiểm soát. “Sống chung” không có nghĩa là để cho vi rút lưu hành tự do mà tùy từng điều kiện ở mỗi nước mà đề ra chiến lược đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát. Trong đó vắc xin được coi là “chìa khóa” để hướng tới nhịp sống bình thường.
Khi số ca mắc gia tăng đáng kể, trong đó phần lớn được cho là mắc biến chủng Delta, Thủ tướng Israel Naftali Bennett phải tái áp dụng một số hạn chế như yêu cầu người dân tiếp tục đeo khẩu trang, cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh. Với cái gọi là chính sách "áp đặt mềm", chính phủ Israel muốn người dân học cách "sống chung với COVID-19" và phát triển miễn dịch cộng đồng.
Nước Anh cũng bắt đầu chiến lược mới chống đại dịch. Vào tuần tới, Chính phủ Anh sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng COVID-19, bất chấp số ca mắc do biến thể Delta gia tăng. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết, khi nới lỏng hạn chế, chính phủ vẫn khuyến nghị sử dụng khẩu trang ở những khu vực đông người.
Mỹ cũng sẽ chuyển trọng tâm từ áp các quy định bắt buộc sang công bố hướng dẫn phòng bệnh, ngăn chặn lây lan COVID-19 tại cộng đồng. Tương tự, Singapore cũng lên kế hoạch xem COVID-19 là dịch bệnh đặc hiệu, tức là xác định vi rút sẽ tồn tại trong cộng đồng mà không biến mất. Khi thực hiện kế hoạch dài hơi này, Singapore tỏ ra linh hoạt, kịp thời điều chỉnh quyết định chiến lược để phù hợp với thực tế, cân nhắc cả ba yếu tố: chính trị, kinh tế và khoa học.
Tăng cường chia sẻ vắc xin
Ngày càng nhiều nước nhận thức được rằng đoàn kết, chia sẻ vắc xin nhằm đảm bảo phân phối vắc xin công bằng chính là “chìa khóa” cho sự chiến thắng dịch bệnh.
Mới đây, hai nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm đã đồng ý đóng góp hơn 100 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX và con số này còn có thể tăng thêm. Người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), ông Seth Berkley đã ngay lập tức hoan nghênh các thỏa thuận khi bổ sung thêm 2 loại vắc xin vào danh mục vắc xin của COVAX, cùng với các vắc xin của AstraZeneca, Johnson&Johnson, Moderna và Pfizer.
Sự xuất hiện của các biến thể vi rút SARS-CoV-2 mới đang khiến số ca nhiễm tăng cao ở nhiều nước, buộc một số quốc gia đang tìm biện pháp ứng phó mới… |
Canada cũng thông báo sẽ tặng thêm 17,7 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho COVAX, bổ sung vào 13 triệu liều mà nước này cam kết trước đó tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi giữa tháng 6 vừa qua.
Thời gian gần đây đã chứng kiến nhiều nước giàu gia tăng cam kết chia sẻ vắc xin trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở những nước này đang cho phép mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Một trong những cam kết đáng chú ý là việc các nhà lãnh đạo G7 nhất trí cung cấp hơn 1 tỷ liều vắc xin cho phần còn lại của thế giới theo cách trực tiếp hoặc thông qua COVAX.
Những cam kết liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh COVAX vẫn chưa thể phát huy được hết công năng của mình để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình, vốn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: thiếu tài chính và hạn chế về vắc xin trên thị trường. Tính đến ngày 12-7, COVAX đã phân phối hơn 102 triệu liều cho 135 quốc gia, thấp hơn nhiều so với mục tiêu được công bố hồi đầu năm và tốc độ đã chậm lại trong những tuần gần đây. Trong khi đó trên quy mô toàn cầu, khoảng 3,3 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới và chỉ 1% trong số này được sử dụng ở các nước nghèo nhất.
Dẫu nỗ lực này tới nay mới chỉ như "muối bỏ bể" và thế giới cần nhiều hơn thế, song rõ ràng, sự đoàn kết và chia sẻ lợi ích đang ngày càng giúp thế giới tự tin hơn trong đối phó dịch bệnh.
Hồng Hà (tổng hợp)