Multimedia Đọc Báo in

Mở cửa trở lại giữa dịch COVID-19: Quyết định gây tranh cãi của nước Anh

08:24, 23/07/2021
Những ngày qua, cộng đồng các nhà khoa học và các nước khu vực châu Âu đã có nhiều ý kiến trái chiều, kể cả lo ngại trước quyết định của nước Anh mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch COVID-19 với các biến thể đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2 vẫn không ngừng lây lan trong cộng đồng.

Quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế

Ngày 19-7, Chính phủ Anh dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát dịch COVID-19, trong bối cảnh các ca mắc mới đang tăng cao tại nước này.

Anh chính thức bước vào "Ngày Tự do" (cách gọi của truyền thông địa phương) từ 0 giờ ngày 19-7 (giờ địa phương) sau hơn 1 năm thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, quy định dỡ bỏ phong tỏa được đưa ra do hầu hết dân số trưởng thành của Vương quốc Anh hiện đã được tiêm hai mũi vắc xin. Mặc dù cả xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều có tỷ lệ người dân được tiêm phòng cao nhưng chỉ riêng vùng England thực hiện bước đi táo bạo này.

Theo đó, kể từ ngày 19-7, hầu như tất cả các hạn chế ở vùng England sẽ được dỡ bỏ. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ không còn nữa, giới hạn về số người có thể tụ tập trong nhà hoặc ngoài trời sẽ chấm dứt, giãn cách xã hội chỉ được áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và tại sân bay. Các địa điểm khác như câu lạc bộ đêm hay sân vận động sẽ được tự do mở cửa để hoạt động hết công suất. Nếu ai đó nhận được thông báo nhắc nhở của ứng dụng NHS (ứng dụng trên điện thoại của Dịch vụ Y tế Quốc gia – NHS để truy vết và theo dõi tình trạng tiêm chủng vắc xin COVID-19 của người dân), họ sẽ phải tự cách ly cho đến ngày 16-8 – thời điểm những người đã tiêm đầy đủ hai liều vắc xin được hoạt động như bình thường.

Sân bay Heathrow, phía Tây London, Anh hoạt động trở lại.
Sân bay Heathrow, phía Tây London, Anh hoạt động trở lại.

Có thể nói, cơ sở lớn nhất để ông Boris Johnson theo đuổi chiến lược này là độ phủ vắc xin. Hiện tại, đã có gần 88% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 và trên 68% đã tiêm đủ hai mũi, tỷ lệ thuộc dạng cao nhất thế giới. Nhờ độ phủ vắc xin này nên mặc dù số ca nhiễm mới hằng ngày hiện nay tại Anh đang bùng phát song chuỗi liên kết giữa ca nhiễm và nhập viện đã bị làm suy yếu. Với cùng số ca nhiễm này, tỷ lệ nhập viện tại Anh hiện nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với đầu đại dịch. Số ca tử vong cũng ở mức thấp hơn nhiều so với trước kia.

Vì thế, Thủ tướng Anh tin rằng, bất chấp việc sẽ có thêm nhiều ca nhiễm, thậm chí có thêm số ca nhập viện và tử vong, vắc xin đã giúp nước Anh chặn được đại dịch và với tốc độ tiêm chủng hiện nay, nước Anh có thể đạt tỷ lệ 80% dân số trưởng thành tiêm đủ hai mũi vắc xin vào cuối mùa hè. Đây là tỷ lệ mà theo lý thuyết có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhìn chung, ông Boris Johnson đang "cân đo" giữa rủi ro dịch bệnh và lợi ích kinh tế và nhờ có vắc xin, Thủ tướng Anh đang nghiêng hẳn về hướng "sống chung" với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Nỗi lo khi nước Anh mở cửa

Cách đây vài ngày, hơn 1.200 nhà khoa học trên khắp thế giới đã cùng ký tên vào một lá thư kêu gọi Chính phủ Anh ngừng ngay lập tức kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, với lập luận rằng việc nước Anh mở cửa toàn bộ sẽ tạo điều kiện cho các biến thể vi rút chống vắc xin xuất hiện và lây lan khắp thế giới.

Các chuyên gia cho rằng làn sóng lây nhiễm chỉ có thể kết thúc khi bức tường miễn dịch đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng và sự lây nhiễm tự nhiên đủ lớn. Tuy nhiên, liệu Anh có đạt tới đích đó trong những tháng tới hay không vẫn còn là “bài toán” chưa có lời giải.

Một trong các chuyên gia dịch tễ uy tín nhất tại Anh là Giáo sư Neil Ferguson của Trường Hoàng gia London, người cố vấn chiến lược phong tỏa cho chính phủ Anh đầu năm 2020, đã đưa ra nhận định rằng với việc nước Anh mở cửa toàn bộ, chắc chắn số ca mắc hằng ngày sẽ lên mức 100.000 ca/ngày, thậm chí có thể lên tới 200.000 ca/ngày. Khi đó, số ca nhập viện cũng có thể lên tới 1.000 - 2.000 ca/ngày và cuối cùng, dù không muốn, chính phủ Anh cũng sẽ lại phải tái áp dụng một số biện pháp hạn chế. Rất nhiều chuyên gia y tế tại Anh ủng hộ quan điểm này và cho rằng thử nghiệm của chính phủ Anh là “phi đạo đức” và “phản khoa học” vì hàng nghìn người sẽ thiệt mạng vì thử nghiệm này. Đây cũng chính là điều mà các nước láng giềng của Anh lo ngại. Các cố vấn của chính phủ New Zealand, Australia, Israel và Italy đã bày tỏ quan ngại về chiến lược dỡ bỏ phong tỏa của Anh.

Hiện tại, dù hầu hết các nước châu Âu đều vẫn đang duy trì quy định cách ly bắt buộc với các hành khách đến từ Anh nhưng sự gần gũi về mặt địa lý cũng như quan hệ sâu rộng giữa châu Âu và Anh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, dân cư… khiến việc kiểm soát dòng người di chuyển giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) là vô cùng phức tạp. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong kiểm soát biên giới là dịch bệnh đã có nguy cơ lây lan. Do đó, châu Âu đặc biệt lo ngại một đợt bùng phát dịch tại Anh sẽ kéo theo một đợt bùng dịch tiếp theo tại châu Âu.

Một lý do khác khiến châu Âu lo ngại việc nước Anh mở cửa hoàn toàn, đó là điều này có thể khơi dậy làn sóng chống phong tỏa, chống vắc xin vốn đã âm ỉ tại châu Âu nhiều tháng qua.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.