Multimedia Đọc Báo in

Siêu bão trên Sao Thổ

16:55, 12/07/2011
Ngày 7-7, Tạp chí Nature đã công bố những dữ liệu đo lường về cơn bão lớn nhất và dữ dội nhất trong vòng 20 năm trở lại đây trên Sao Thổ.
 
Đây là một phần của dự án FWF đã thực hiện được khoảng 2 năm, với sự tài trợ của Quỹ Khoa học Áo. Dự án FWF tập trung vào phân tích dữ liệu thu thập được từ tàu thăm dò không gian Cassini của NASA.
Hiện nay, Viện nghiên cứu không gian của Viện Hàn lâm Khoa học Áo đang tập trung điều tra về các cơn bão có vẻ diễn ra theo mùa trên Sao Thổ. Mục tiêu dự án FWF là tập trung vào đo điện khí quyển của sao Thổ.
 
Một công cụ để đo các sóng radio và plasma trên tàu thăm dò Cassini, phát hiện tia chớp đầu tiên của một cơn bão đang hình thành ở bán cầu Bắc, Sao Thổ. Không ai nghĩ rằng đây sẽ là cơn bão lớn nhất mà Cassini đã từng đo được trên Sao Thổ, do những bức ảnh đầu tiên chỉ cho thấy một đám mây nhỏ và sáng. Ngay lập tức Tiến sĩ Georg Fischer, người đứng đầu dự án FWF, đã gửi một thông báo nhờ sự trợ giúp của các nhà thiên văn học nghiệp dư trên toàn cầu và yêu cầu họ quan sát đám mây dông, trên từng tia sét cụ thể, để cùng nhau phân tích một cách chính xác. Phản ứng nhanh nhạy này đã phát huy tác dụng, giúp cho các nhà khoa học theo dõi sự phát triển mạnh mẽ của cơn bão. Ba tuần sau khi phát hiện ra cơn bão, nó đã mở rộng trên hơn 10.000 km. Hai tháng sau đó, nó bao quanh toàn bộ hành tinh. Và bây giờ, 7 tháng sau khi phát hiện, nó bao gồm một khu vực rộng 4 tỷ km2, tức là bằng 8 lần diện tích bề mặt của Trái đất.
 
Tàu thăm dò không gian Cassini đã và đang quan sát Sao Thổ từ năm 2004, trong khoảng thời gian này, các cơn giông bão chỉ được quan sát ở bán cầu Nam của Sao Thổ. Thời gian 1 năm ở Sao Thổ bằng 29,5 năm ở Trái đất và tháng 8 năm 2009 bắt đầu vào mùa xuân ở Sao Thổ. Giông bão sẽ chuyển sang bán cầu Bắc của Sao Thổ. Đây là một kết thúc thành công cho dự án FWF.
G.T ( Tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc