Thư viện điện tử khoa học công nghệ: Đồng hành cùng nông dân
Được triển khai từ năm 2005, mô hình thư viện điện tử khoa học công nghệ (KHCN) đã phát triển mạnh và trở thành cầu nối đưa thông tin, ứng dụng các tiến bộ trong sản xuất, thiết bị kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống giúp nhiều hộ gia đình xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế.
Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được được Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình này (năm 2005). Đối tượng phục vụ là tất cả bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thông tin về khoa học, công nghệ, kỹ thuật với thời gian truy cập vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Những năm qua, thư viện điện tử xã đã đón hàng nghìn lượt hộ dân đến tìm hiểu thông tin về sản xuất nông nghiệp. Để đông đảo nhân dân biết đến mô hình, thông qua hệ thống loa truyền thanh, trong các buổi họp dân, thôn, buôn hay các hội thảo, tập huấn, cán bộ xã đều thông báo rộng rãi để mọi người biết. Chị Dương Thị Côi, cán bộ phụ trách thư viện chia sẻ: “Với ưu điểm là có hệ thống lưu trữ lớn và phương pháp tìm kiếm hiện đại, giúp tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác và đầy đủ nhất mà phương tiện internet đơn thuần không có được. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương đã được nhân dân trong xã học tập làm theo. Trong đó, những mô hình được nhiều người quan tâm nhất là chăn nuôi thỏ, heo, dê và phương pháp trồng sầu riêng xen cà phê, tiêu xen cà phê…” Đơn cử như ông Y Tul Niê, một trong những người dân thường xuyên đến thư viện điện tử xã để tìm hiểu các phương, pháp kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Được biết, năm 2009 khi được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình nuôi thỏ Newzeland, ông đã đến thư viện điện tử xã để nhờ cán bộ tra cứu các tài liệu liên quan như cách chăm sóc, nhân giống cũng như đặc tính sinh trưởng, phát triển của vật nuôi này để đem lại hiệu quả cao nhất. Cũng nhờ đó, gia đình ông đã thành công trong việc nuôi thỏ để phát triển kinh tế. Theo chị Côi, khi người dân đến tìm hiểu thông tin về KHCN, cán bộ phụ trách thư viện sẽ tra cứu, tìm giúp các tài liệu liên quan rồi in ra giấy hoặc đĩa cho người dân nếu họ cần để học tập và làm theo tại nhà mà không phải mất chi phí nào.
Người dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đến thư viện điện tử xã để nhờ tìm kiếm thông tin về sản xuất, chăn nuôi. |
Sau mô hình điểm này, nhiều điểm thư viện điện tử KHCN đã được triển khai tại các khu vực nông thôn từ những nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 99 điểm thư viện điện tử KHCN tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, huyện Cư Kuin đã triển khai tại 8/8 xã; huyện Lắk: 7/11 xã, huyện Krông Pắc: 8/16 xã, Krông Búk: 4/7 xã… Chính việc đưa tri thức đến với vùng nông thôn đã giúp bà con nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng mạnh mẽ KHCN để tự xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên quê hương mình. Đơn cử như ở điểm thư viện điện tử xã Ea Tân (huyện Krông Năng), từ khi có mô hình này, chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn gồm các hộ dân trong xã đến thư viện (đặt tại UBND xã) để giới thiệu mô hình trồng hồ tiêu, cà phê cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế với hai loại cây này và cho thu nhập ổn định.
Với khoảng 20.000 tài liệu và 700 bộ phim KHCN hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật tiến bộ, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và thử nghiệm về cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao... thư viện điện tử KHCN là kho tra cứu thông tin bách khoa bao gồm bộ máy tra cứu và kho tài liệu gốc được số hoá và phân loại theo nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, bảo quản, chế biến nông sản, kinh doanh, dịch vụ … phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quả thực, với một khối lượng tài liệu khổng lồ như vậy nếu in ra giấy thì phải cần một không gian lớn mới chứa nổi; tuy nhiên với mô hình này, tất cả đã được số hóa, thu gọn trong một ổ cứng của máy tính mà khi cần có thể được tra cứu dễ dàng và cung cấp tại chỗ. Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và thống kế KHCN (Sở KHCN) Nguyễn Cát Lâm cho biết: “Mô hình thư viện điện tử KHCN đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho người nông dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa và những người chưa có điều kiện, phương tiện để tiếp cận internet; trong đó, có cả những chương trình, tài liệu mà trên internet không có. Quả thực, từ việc tra cứu ở thư viện điện tử, nhiều mô hình, thông tin về KH&CN tiên tiến, có hiệu quả cao đã được người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống để từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Có thể nói, mô hình thư viện điện tử KHCN đã và đang tạo hiệu ứng tích cực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ bà con nông dân tiếp cận KHCN, vươn lên phát triển sản xuất.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc