Những phát minh khoa học - kỹ thuật mới
Chai nước thông minh tự báo độc tố
Hãng Kickstarter (Mỹ) bắt đầu khởi động chiến dịch quyên góp vốn cho công ty khởi nghiệp Ecomy hoàn thiện một sản phẩm mới có tên “chai nước thông minh” có khả năng phân tích, báo cho người dùng biết nước an toàn hay nhiễm độc tố. Nếu nước không bảo đảm sẽ lọc sạch độc tố nhờ bộ lọc gắn bên trong. Chai nước này gồm các chi tiết chính như khoang chứa nước có bộ lọc, bộ phận hiển thị chất lượng nước kèm thiết bị thử và theo dõi lượng nước. Khi sử dụng, chỉ cần rót nước vào chai và lắc đều, nước sẽ chảy vào bộ thử và cho biết kết quả trên màn hình. Nó có khả năng tinh lọc, loại trừ tạp chất như hóa chất hòa tan, cặn dầu, kim loại nặng... Sản phẩm này dự kiến có mặt trên thị trường vào cuối quý I-2017.
Robot trông trẻ
Công ty AvatarMind của Trung Quốc vừa nghiên cứu chế tạo thành công một loại robot có tên iPal có thể đảm đương chức năng bảo mẫu "toàn thời gian" như các cô nuôi dạy trẻ. iPal có thể cử động các ngón chân tay, giao tiếp với trẻ qua màn hình cảm ứng gắn trên ngực, biết làm trò, ca hát, nhảy múa, thậm chí chơi được cả trò oẳn tù tì. Sở dĩ iPal làm được chức năng này là do được trang bị hàng chục cảm biến và 25 motor di động, giúp iPal trở thành người bạn tâm giao đầy cảm xúc, nhạy cảm, biết hưởng ứng các trạng thái tình cảm như vui, buồn, cô đơn.., có thể trông giữ trẻ mà không cần tới sự giám sát của người lớn trong khoảng thời gian nhất định.
Thiết bị đo chức năng hô hấp
Thiết bị có tên MySpirometer là sản phẩm do Hội Lồng ngực Mỹ và Hiệp hội Hô hấp châu Âu đồng tài trợ hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lần cuối. Thiết bị này có thể đo các dòng khí hít vào, thở ra, tính toán được nhiều chỉ số chức năng quan trọng của phổi; phù hợp cho mục đích sử dụng tại gia đối với nhóm người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh hen suyễn. MySpirometer có thể giúp kiểm soát chính xác chức năng phổi và truyền dữ liệu đến một điện thoại thông minh và bác sĩ chăm sóc.
Máy bay du lịch vũ trụ lớn nhất thế giới
Viện Hàn lâm Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc (CALVT) hiện đang phát triển một loại máy bay du lịch không gian khổng lồ, có khả năng chở được 20 hành khách du lịch tới vùng rìa vũ trụ. Theo CALVT, máy bay của họ có thể cất cánh thẳng đứng như một tên lửa tự bay không cần phải đưa lên cao, và tự động hạ cánh xuống đường băng mà không cần sự can thiệp từ trên máy bay hay dưới mặt đất, sử dụng nhiên liệu methane và oxy lỏng. Máy bay này nặng khoảng 100 tấn, sải cánh 12 m, có thể bay lên độ cao 130 km, đạt vận tốc tối đa gần 1000 km/h và duy trì 4 phút ở trạng thái không trọng lượng. Chuyến bay thử nghiệm sẽ được tiến hành trong hai năm tới, và khai thác chính thức vào năm 2020, chi phí mỗi chuyến từ 200.000 đến 250.000 USD.
Nguyễn Khắc Nam
(Dịch từ BIC/Newser/M/IC/DM - 10//2016)
Ý kiến bạn đọc