Khoa học công nghệ hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo phát triển
Với sự hỗ trợ, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển ngành nông nghiệp.
Để triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí và hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án khoa học và công nghệ được thực hiện với mục tiêu giúp cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế tạo, nâng cao năng lực và đào tạo đội ngũ cán bộ. Các hoạt động như xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ; kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ… đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Một trong những chương trình, dự án thiết thực nhất là việc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất. Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện giúp nhiều đơn vị cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải (Cụm công nghiệp Tân An) được hỗ trợ gần 500 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất thương mại – dịch vụ - xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) được hỗ trợ 280 triệu đồng; Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) với 1,2 tỷ đồng…
Sản xuất sản phẩm cơ khí ở Công ty TNHH Viết Hiền. |
Bên cạnh đó, nhiều chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước đã hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo thực hiện các đề tài với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước lên đến hàng tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp cơ khí được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện đề tài gồm: Công ty TNHH Viết Hiền với 5,4 tỷ đồng để sản xuất máy chế biến cà phê ướt theo quy mô nông hộ; Công ty Ca cao Nam Trường Sơn với hơn 4 tỷ đồng hoàn thiện công nghệ dây chuyền sản xuất ca cao, sôcôla.
Cách đây hơn 10 năm, phần lớn các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đều được nhập từ nước ngoài hoặc nhập từ các địa phương khác. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của ngành cơ khí trong tỉnh, nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng phục vụ ngành nông, lâm nghiệp của các doanh nghiệp cơ khí Xuân Hòa, Đăng Phong, Viết Hiền, Hưng Phát… được người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ. Đó là hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến cà phê ướt, thiết bị xát vỏ cà phê quả khô và tươi, chế biến cà phê tươi quy mô nông hộ; bơm tưới cơ, bơm điện, bơm hỏa tiễn; thiết bị chế biến nông sản như lúa, ngô, sắn… Đặc biệt, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất tại địa phương có giá thành thấp hơn nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại, trong khi đó chất lượng, hiệu quả không hề thua kém.
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã cố gắng huy động nguồn lực, đầu tư kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học còn hạn hẹp nên số doanh nghiệp được hỗ trợ chưa nhiều. Có được kết quả trên hầu hết là do sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư từ kinh phí, hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất đến cả nguồn lực lao động và đầu ra sản phẩm”, ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.
Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học Công nghệ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 300 doanh nghiệp cơ khí chế tạo và hàng ngàn cơ sở cơ khí nhỏ. Tuy nhiên, trong 10 năm qua (2005-2015), chỉ mới có khoảng 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khoa học công nghệ thực hiện các đề tài, chuyển giao, đổi mới kỹ thuật sản xuất… |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc