Tạo sao hít khí cười lại gây nguy hiểm cho con người?
Mới đây chính phủ Anh đã chính thức cấm thương phẩm khí gây cười bởi nó nguy hiểm, làm cho nhiều người bị tàn tật và thiệt mạng.
Theo BBC, khí gây cười (laughing gas hay nitrous oxide) được nhắc tới lần đầu vào năm 1772 bởi một nhà khoa học người Anh tên là Joseph Priestley, sau đó nó được nhà hóa học Humphry Davy nghiên cứu, ứng dụng cho mục đích giải trí. Tên hóa học Nitrous oxide (Đinitơ mônôxit), công thức hoá học N2O, khi bơm vào bóng bay, hay bình nhỏ nên được gọi là bóng cười (funkyball). Bóng cười thực chất chỉ là những quả bóng bay bình thường, được bơm thêm khí N2O để người dùng chia vui theo kiểu "hít-thổi-hít". Khí N2O lan tỏa, và ngấm vào cơ thể cảm giác phấn khích, tạo ra những tiếng cười khúc khích và người dùng có cảm giác như lơ lửng trên không.
Nguyên thủy, khí gây cười từng được sử dụng cho mục đích giảm đau khi chữa răng, trong các ca sinh đẻ và nhiều ứng dụng khác. Tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, bóng cười đã có mặt, trở thành trào lưu được giới trẻ ưa thích. Chỉ cần hít một hơi là có những "tràng cười" sảng khoái. Song mối nguy hiểm lại rất tiềm ẩn, bởi vậy tại nhiều nước trên thế giới, việc bán bóng cười cho trẻ em dưới 18 tuổi đã bị cấm.
Theo nghiên cứu mang tên Global Drug Survey 2015, mối nguy hiểm của khí gây cười hay bóng cười chính là chất khí (gas) có trong loại bóng này. Còn theo Văn phòng Bộ Nội vụ Anh (HO), đây là chất kích thích phổ biến thứ 4 tại Anh. Năm 2013 - 2014, có khoảng 470.000 người Anh đã sử dụng khí N2O, nhất là giới trẻ, chiếm khoảng 7,6% người trong độ tuổi từ 16-24 đã sử dụng bóng cười.
Theo HO, từ năm 2006 đến 2012 đã có 17 trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng khí cười tại Anh. Năm 2010 có 5 ca và năm 2011 có 1 ca thiệt mạng, nhưng theo Hội đồng tư vấn về lạm dụng ma túy Anh (ACMD), trung bình số người thiệt mạng do bóng cười mỗi năm khoảng 15 trường hợp.
Các chuyên gia pháp y phát hiện thấy hầu hết nạn nhân bị sặc N2O khi hít, gây ngạt thở. Ngoài ra, N2O còn phát sinh tình trạng bỏng lạnh hoặc bị giảm nhịp tim đột ngột, thiếu hụt vitamin B12, bệnh thiếu máu... Nguy hiểm từ bóng cười không chỉ diễn ra tức thì, mà nó còn âm thầm, lâu dài, trong đó có hiện tượng giảm lượng oxy máu. Ngoài thiệt mạng, còn có khoảng 4% người sử dụng bóng cười xuất hiện triệu chứng như tê liệt, đau thần kinh, ngứa ran và đau các chi. Trường hợp N2O kết hợp với cần sa hoặc rượu có thể làm tăng nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Khắc Nam (Theo BBC)
Ý kiến bạn đọc