Trí tuệ nhân tạo: "Vệ sĩ" mới của con người trong tương lai
Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì?
Theo bách khoa thư mở Wikipedia, trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence hay Machine intelligence, viết tắt AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ AI thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.
Sophia – công dân robot đầu tiên trên thế giới có cảm xúc và trí thông minh như người thật. |
AI liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc. Các ví dụ ứng dụng bao gồm các tác vụ điều khiển, lập kế hoạch và tiến độ, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt... Bởi vậy, trí thông minh nhân tạo đã trở thành một môn học, với mục đích chính là cung cấp lời giải cho các vấn đề của cuộc sống thực tế. Một trong những sản phẩm nổi tiếng liên quan đến trí thông minh nhân tạo là robot Sophia, robot đầu tiên trên thế giới vừa được Ảrập Xê-út cấp quyền công dân vào tháng 11-2017. Sophia có thân hình của một thiếu nữ với đầy đủ cảm xúc như một con người, tuy không chân, không thể di chuyển nhưng lại có cảm xúc như người thật. Khi giao tiếp, sự thông minh của Sophia khiến nhiều người có cảm giác như họ đang tiếp xúc với người thật.
AI và chức năng “vệ sĩ” cho con người
Trong lĩnh vực y học, AI có rất nhiều ứng dụng và tiềm năng, giúp con người chống lại các bệnh truyền nhiễm, nhất là những căn bệnh do muỗi Aedes aegypti gây ra, phát sinh nhiều bệnh nan y như bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết, bệnh Zika và chikungunya (một loại virus gây ra đau khớp). Rainier Mallol, kỹ sư máy tính người Dominican mới đây đã hợp tác cùng Dhesi Raja, bác sĩ y khoa Malaysia phát triển thành công thuật toán dùng dự báo những căn bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes aegypti gây ra. Trong dự án này, các nhà khoa học đã dùng Hệ thống trí tuệ nhân tạo Dịch tễ học (AIME), kết hợp giữa thời gian và địa điểm để phát hiện dịch bệnh bùng phát dựa trên 274 yếu tố có liên quan như hướng gió, độ ẩm, nhiệt độ, mật độ dân số, nhà ở... để xác định chính xác cách muỗi truyền bệnh. Hệ thống này đã được thử nghiệm tại Malaysia, xác định được tâm dịch trong phạm vi 400 mét, cho phép các quan chức y tế công cộng can thiệp kịp thời bằng thuốc diệt côn trùng để bảo vệ người dân địa phương. AIME cũng đang được mở rộng để dự báo sự bùng nổ của dịch Zika và Chikungunya. Ngoài ra, trong dự án nói trên, các nhà khoa học còn tiến hành phân tích ADN của muỗi và côn trùng bằng các thuật toán học máy, phần mềm học cách nhận dạng các mẫu từ một lượng lớn dữ liệu để phát hiện dịch bệnh và can thiệp kịp thời.
Một trong những ứng dụng tiềm tàng khác của AI là phòng chống ung thư và ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực cho con người. Tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng AI trong phòng chống, chữa trị ung thư có phân ban DeepMind Health của Alphabet thuộc Google và IBM. DeepMind Health đã hợp tác với các bác sĩ thuộc Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, Bệnh viện Đại học College London để huấn luyện AI giúp ngành y lập kế hoạch phòng chống ung thư bằng cách sử dụng machine learning (phương pháp phân tích dữ liệu để tự động hóa xây dựng mô hình phân tích). Ngoài ra, DeepMind Health còn giúp Bệnh viện Mắt Moorfields ở London xác định những dấu hiệu sớm của căn bệnh suy giảm thị lực khi quét mắt.
IBM gần đây còn cho biết, phần mềm trí thông minh nhân tạo Watson AI có thể phân tích hình ảnh và đánh giá tình trạng bệnh tật, xác định chính xác các khối u trong 96% trường hợp. Watson có 200 triệu trang dữ liệu có sắp xếp và không sắp xếp, sử dụng đến 4 terabytes chỗ chứa ổ cứng, đang được thử nghiệm bởi các bác sĩ tại 55 bệnh viện trên toàn thế giới để giúp chẩn đoán ung thư vú, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, dạ dày và tuyến tiền liệt.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), có khoảng 800 triệu người trên toàn thế giới sống dựa vào nguồn thực phẩm carbohydrate từ sắn. Thực phẩm nhiều chất bột này tương tự như khoai lang, khoai tây, có thể tạo ra bột để làm bánh các loại. Tuy nhiên, sắn lại là loại cây rất dễ bị sâu bệnh, đôi khi bị tàn phá cả một cánh đồng rộng lớn. Để khắc phục, các nhà nghiên cứu tại Đại học Makerere ở Kampala (Uganda), đã hợp tác với các chuyên gia bệnh thực vật phát triển một hệ thống tự động nhằm chống lại bệnh sắn. Dự án có tên Mcrops Project (MP) cho phép nông dân chụp ảnh cây sắn bằng điện thoại thông minh và sử dụng máy tính đã được đào tạo để phát hiện dấu hiệu của bốn căn bệnh chủ yếu gây tàn phá cây sắn.
Ngoài ra, dự án MP còn sử dụng các hình ảnh tải lên để tìm các mẫu bệnh dịch, cho phép các cơ quan chức năng ngăn chặn, dập tắt kịp dịch bệnh, hạn chế nạn đói, bảo đảm an ninh lương thực. Ngoài ra, dự án còn có thể áp dụng công nghệ này để kiểm soát dịch bệnh cho nhiều loại cây trồng khác như chuối, dứa, hay các loại cây lương thực quan trọng khác.
Ngày nay, các hệ thống nhân tạo được dùng thường xuyên trong kinh tế, y dược, các ngành kỹ thuật và quân sự, cũng như trong các phần mềm máy tính thông dụng trong gia đình và trò chơi điện tử.
Nam Bắc Giang
(Dịch từ BBC future-11/2017)
Ý kiến bạn đọc