Những phát minh giúp cuộc sống con người dễ chịu hơn
Sụn nhân tạo
Phòng nghiên cứu thí nghiệm quốc gia Los Alamos và Ðại học Duke (Mỹ) vừa phối hợp phát triển thành công một dạng sụn nhân tạo, mở ra triển vọng mới trong điều trị, cải thiện khả năng vận động cho con người, nhất là nhóm người cao niên và các vận động viên thể thao bị chấn thương khuỷu khớp. Tuy là sụn nhân tạo nhưng nó đủ mạnh để nâng đỡ và giảm bớt áp lực lên cơ thể khi di chuyển do được chế từ hydrogel. Theo các chuyên gia, đây là vật liệu mềm hoạt động như lớp đệm giữa các khuỷu khớp, giữ cho các đầu xương không bị mài mòn khi tiếp xúc để di chuyển dễ dàng hơn.
Nhóm nghiên cứu hiện đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm, đệ trình phê duyệt để sớm đưa ra thị trường.
“Nhà khoa học robot” làm việc hiệu quả gấp 1.000 lần con người
Các nhà nghiên cứu của Đại học Liverpool (Anh) vừa tạo ra “nhà khoa học robot” có hiệu suất nghiên cứu khoa học nhanh hơn gấp 1.000 lần so với các nhà khoa học bằng xương bằng thịt. Chỉ có điều khác là robot không có khuôn mặt mà chỉ là những bộ phận người máy, sử dụng máy quét laser và công nghệ cảm biến để điều hướng. Cánh tay duy nhất của robot có thể thao tác cực kỳ nhanh, chính xác, trơn tru, không gặp bất kỳ rủi ro nào như thấy ở con người.
Nhà khoa học robot làm việc trong phòng thí nghiệm. |
Theo phó giáo sư Andrew Cooper, tác giả nghiên cứu chính, robot này kiêm nhà hóa học giúp thực hiện các thí nghiệm. Robot được lập trình với các thông số cơ bản, sử dụng thuật toán để quyết định cách thay đổi 10 biến thể khác nhau. Robot không bị hạn chế ở một nhiệm vụ nên nó rất hữu ích và linh hoạt trong môi trường phòng thí nghiệm. Đặc biệt hơn, nó có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 22 giờ, điều mà con người khó có thể làm được.
Thiết bị giúp người đột quỵ đi lại dễ dàng hơn
Một trong những nan giải sau đột quỵ là gây tàn tật cho con người, dáng đi bị lệch và gặp nhiều khó khăn trong di chuyển, nhất là giảm độ linh hoạt của khớp gối, khiến chân thấp chân cao, dễ bị té ngã. Để giảm thiểu những bất an này, các chuyên gia ở Đại học Tohoku, Nhật Bản (TU) đã nghiên cứu, cho ra đời thiết bị hỗ trợ người đột quỵ đi lại dễ dàng hơn. Thiết bị mới thuộc dạng mang trên người, có cấu trúc lò xo, giúp tăng tốc độ bước chân, được gắn vào mắt cá chân người dùng. Khi người đeo bước về phía trước với chân không bị bệnh, chuyển động mắt cá chân đi kèm trong chân bị liệt còn lại kích hoạt một cam hình elip trong thiết bị, khiến lò xo ép lại. Khi bắt đầu giảm trọng lượng cho chân đó để bước về phía trước, lò xo xổ ra, đẩy gót chân lên, uốn cong đầu gối nên di chuyển dễ hơn. Hiệu ứng này khắc phục tình trạng khớp gối không uốn được tự nhiên do đột quỵ. Qua thử nghiệm ở nhóm đột quỵ bị liệt một bên cho thấy thiết bị đã làm tăng đáng kể độ cong của đầu gối.
Nguyễn Duy (Dịch từ TDE/TVC/IDC/NAC/IMC-7/2020)
Ý kiến bạn đọc