Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh khoa học - công nghệ mới

06:01, 11/09/2020

Robot giúp diệt Covid-19 bằng ánh sáng tia cực tím

Để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) vừa phát triển thành công một loại robot tự động sử dụng ánh sáng tia cực tím bằng đèn UV-C để khử trùng. Việc sử dụng robot có thể giảm thiểu rủi ro lây lan vi rút ở những nơi công cộng như: trường học, siêu thị, bệnh viện, nhà ga….

Theo MIT, UV-C là một dạng bức xạ tia cực tím có năng lượng cao hơn nên khử trùng đồ vật rất hiệu quả. Qua thử nghiệm tại một ngân hàng thực phẩm ở Boston cho thấy UV-C khử trùng bề mặt bằng cách phá vỡ quá trình sinh sản ADN mầm bệnh. Robot có công suất khử trùng hơn 370 m2/giờ trên tất cả các bề mặt, với mức diệt vi rút đạt trên 90%.

Tủ thông minh kiêm “máy giặt”

Một loại máy giặt có tên AirDresser của hãng Samsung (Hàn Quốc) có khả năng chăm sóc áo quần, giúp làm sạch, loại bỏ vi khuẩn, mùi hôi, nếp nhăn giúp người dùng tự tin diện những trang phục yêu thích bất cứ lúc nào, vừa tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Đây là sản phẩm ứng dụng sáng tạo được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), vừa làm sạch bụi bẩn, hấp hơi diệt khuẩn, vừa sấy khô và khử mùi toàn diện. Chính vì vậy, AirDresser còn được mệnh danh là tủ quần áo thông minh kiêm “máy giặt”. Nhờ AirDresser, người dùng không cần phải giặt giũ mà vẫn có trang phục mới sạch sẽ, thơm tho. Giải pháp này còn mang tính môi trường, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc, đặc biệt hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường. AirDresser có 22 chế độ chăm sóc áo quần thông minh tùy thuộc vào nhu cầu người dùng và chất liệu áo quần như đồ thông thường, đồ tinh tế (vải voan, tơ, chiffon), đồ cần xử lý nhanh cho đến đồ cần diệt khuẩn chuyên sâu (như đồ cho mẹ và bé…).

Biến vật tư, thiết bị phòng chống dịch Covid-19 thành nhiên liệu sinh học

Đại học Nghiên cứu dầu khí và năng lượng (UPES) Ấn Độ vừa nghiên cứu sản xuất thành công nhiên liệu sinh học từ vật tư, thiết bị phòng chống dịch Covid-19, nhất là các trang thiết bị bảo hộ cá nhân dùng một lần (PPE). Do phần lớn các thiết bị bảo hộ hiện nay được làm từ những vật liệu phải mất nhiều năm mới phân hủy nên phát minh này được ví như “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa giải quyết vấn đề năng lượng, lại hạn chế lan truyền bệnh và các vấn đề liên quan đến môi trường khác.

Theo đó, các vật tư, thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 dùng một lần được xử lý bằng quá trình nhiệt phân (pyrolysis). Quá trình hóa học này bao gồm việc phân hủy chất dẻo chứa trong thiết bị thành nhiên liệu lỏng ở nhiệt độ 300 - 400 độ C. Nhiên liệu sinh học làm từ PPE qua khâu phân ly sẽ tinh lọc giống như nhiên liệu hóa thạch.

Công nghệ xử lý vải mới để chống vi rút gây bệnh

Hãng HeiQ (Thụy Sĩ) vừa phát triển thành công công nghệ có tên HeiQ Viroblock NPJ03 để xử lý vải giúp tiêu diệt và vô hiệu hóa vi rút gây bệnh. Loại vải này rất hữu dụng, có dải ứng dụng rộng, dùng cho việc sản xuất quần áo, khẩu trang, hay các thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 khác.

Loại vải đã được xử lý tiêu diệt vi rút gây bệnh bằng công nghệ HeiQ Viroblock NPJ03.
Loại vải đã được xử lý tiêu diệt vi rút gây bệnh bằng công nghệ HeiQ Viroblock NPJ03.

Theo nghiên cứu, vi rút và vi khuẩn có thể lây nhiễm trên bề mặt vải trong nhiều ngày. Công thức diệt khuẩn của HeiQ NPJ03 đã được chứng nhận là an toàn và bền vững vì tất cả các thành phần đều có gốc mỹ phẩm, dựa trên sinh học và tái chế. Nó có chứa một lượng nhỏ hoạt chất bạc tái sinh và hợp phần liposome béo. Hiệu quả kháng khuẩn và vi rút đạt ngưỡng 99,99%, đặc biệt là vi rút SARS-CoV-2. Trong thử nghiệm thực tế do Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty Úc thực hiện, nồng độ nCoV có trong các hạt xon khí đã giảm 99,99% sau 30 phút tiếp xúc với vải denim được xử lý bằng công nghệ Viroblock NPJ03. Theo HeiQ, công nghệ xử lý vải này có thể ứng dụng cho tất cả các sản phẩm dệt như quần áo, khẩu trang, khăn hay ga giường, hoặc trang phục thời trang… Khả năng diệt vi rút vẫn hoạt hóa trên các sợi vải sau tối đa 30 lần giặt.

Cảm biến nano siêu nhạy phân biệt sốt xuất huyết và Zika

Đại học Liên bang Rio de Janeiro (FURJ), Brazil vừa phát triển thành công một loại cảm biến nano vàng có thể phân biệt vi rút gây bệnh sốt xuất huyết và Zika bằng cách sử dụng các hạt nano vàng để “quan sát” vi rút ở cấp độ nguyên tử. Cả hai loại vi rút này đều là Flavivirus trong họ Flaviviridae, có hơn 50% đặc điểm trong trình tự axit amin giống nhau, đều lan truyền bởi muỗi. Vì vậy, lâu nay việc chẩn đoán hai bệnh này thường gặp khó khăn do dễ bị nhầm.

Nguyên lý hoạt động của cảm biến nano vàng là dùng một số tần số ánh sáng nhất định trên bề mặt của hạt nano. Các protein trong bệnh sốt xuất huyết hấp thụ ánh sáng còn protein của Zika thì không; vì vậy biện pháp này giúp phân biệt nhanh hai dạng bệnh này. Ngoài ra, xét nghiệm dựa trên hạt nano vàng chính xác hơn so với các xét nghiệm kháng thể trong máu.

Duy Nguyễn

(Dịch từ ETC/YDC/IEC/CJC/DM/SN- 8/2020)

 


Ý kiến bạn đọc