Thực hư lời nguyền bí ẩn trên hầm mộ đại văn hào W.Shakespeare
Đã hơn 400 năm trôi qua nhưng lời nguyền trên hầm mộ W.Shakespeare - nhà văn vĩ đại nhất nước Anh vẫn được hậu thế nhắc đến.
William Shakespeare (1564 - 1616) là nhà văn và nhà viết kịch người Anh thời Phục Hưng. Ông được coi là nhà văn vĩ đại nhất nước Anh, nhà viết kịch đi trước mọi thời đại, nhà thơ tiêu biểu và là “Thi sĩ của dòng sông Avon” (dòng sông nơi ông sinh ra ở Stratford-upon-Avon). Những tác phẩm của Shakespeare gồm cả những tác phẩm hợp tác, đó là 38 vở kịch, 154 bản sonnet, hai bản thơ tường thuật dài, và vài bài thơ ngắn. Kịch của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ lớn và được trình diễn nhiều hơn bất kỳ nhà soạn kịch nào.
Vào năm 1612, Shakespeare rời kinh thành London trở về quê nhà sau bao năm theo đuổi sự nghiệp viết văn và hoạt động sân khấu. Có thể ông đã nhận thấy sân khấu kịch Anh ngày càng sa sút và bị “quý tộc hóa” nên quyết định quay về, mua nhà và sống những năm cuối đời ở quê nhà. Ngày 25-3-1616, Shakespeare hoàn thành di chúc của mình, ông qua đời sau đó một tháng, mất ngày 23-4-1616.
Trong di chúc, Shakespeare để lại hầu hết tài sản cho cô con gái Susanna, và quan trọng hơn, yêu cầu trên bia mộ của mình phải được viết những dòng chữ có nội dung: “Vì Chúa hãy ngăn cản những kẻ định đào bới ở đây. Chúa sẽ phù hộ những người tránh xa ngôi mộ, và nguyền rủa kẻ dám động đến xương cốt của ta”. Thi thể W. Shakespreare được mai táng tại nhà thờ Holy Trinity, Stratford-upon-Avon. Đây cũng là nơi an nghỉ của các thành viên trong gia đình ông, gồm vợ, con gái và con rể. Vì những vấn đề liên quan tới yếu tố tâm linh, người ta thường tránh động đến các ngôi mộ của gia đình Shakespeare.
William Shakespeare và ngôi mộ có lời nguyền của ông. |
Có lời đồn cho rằng, lời nguyền này được thực hiện theo ý nguyện của Shakespeare. Vào thời của ông, việc xác người được khai quật để nghiên cứu hoặc để lấy chỗ chôn cất là khá phổ biến. Do vậy, nhà văn không muốn điều tương tự xảy ra với hài cốt của mình lẫn người thân và thực tế, lời nguyền này đã có tác dụng. Ngay cả khi mộ được sửa chữa vào năm 2008, các công nhân cũng không dám di chuyển dù chỉ những viên đá chứ chưa nói nói là động tới xương cốt của Shakespeare.
Gần đây, các nhà khoa học đã đề xuất việc khai quật và nghiên cứu hài cốt của Shakespeare bằng phương pháp tương tự với vua Richard III. Nhiều người cho rằng họ sẽ có cơ hội kiểm nghiệm sự linh ứng lời nguyền trên mộ Shakespeare. Theo giáo sư Francis Thackeray ở Đại học Witwatersrand (Johannesburg), người muốn khai quật mộ Shakespeare thì chỉ cần hé lộ phần xương cốt và thực hiện các phương pháp quét với độ phân giải cao mà không cần chạm vào các mảnh xương.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành quét radar hầm mộ của nhà văn sau khi có sự cho phép của nhà thờ Holy Trinity, bằng cách sử dụng radar quét xuyên qua đất để khám phá bên trong quan tài. Tuy nhiên, theo Kevin Colls, chuyên gia khảo cổ ở Đại học Staffordshire, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nơi an táng có một sự xáo trộn bất thường tương ứng với lời đồn đại bấy lâu rằng hộp sọ của Shakespeare đã bị đánh cắp từ năm 1794. Phát hiện cho thấy hầm mộ của Shakespeare và vợ ông, bà Anne Hathaway, chỉ cách mặt đất chừng một mét và chưa tìm thấy dấu vết của kim loại nên rất có khả năng là không có quan tài nào trong hầm mộ cả. Do đó, các nhà nghiên cứu nghi ngờ Shakespeare và vợ có thể được quấn vải liệm rồi chôn xuống đất thay vì chôn trong quan tài.
Thực hư ra sao đến nay vẫn chưa ai rõ, chưa có lời giải đáp chính thức. Điều này khiến cuộc đời và cái chết của Shakespeare càng trở nên kỳ bí, thu hút ngày càng đông sự tò mò pha chút hiếu kỳ của dư luận. Những thắc mắc trên giống như nhân vật Hamlet trong vở kịch kinh điển mà chính Shakespeare đã tạo ra, cùng câu nói bất hủ “tồn tại hay không tồn tại”. Liệu rằng giả thuyết về hộp sọ mất tích của Shakespeare có phải thật hay không?
Bất luận lời đồn ra sao, ngày nay tại thị trấn Stratford, quê hương Shakespeare, người ta đã cho xây dựng nhiều công trình cùng các hoạt động văn hóa để nhớ đến đóng góp to lớn của nhà văn, như thành lập Công ty kịch nghệ Shakespeare Hoàng gia, căn nhà nơi ông sinh sống giờ đây trở thành Viện Bảo tàng Shakespeare và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh khác.
Duy Nguyễn (Dịch từ TUC/CNC-8/2020)
Ý kiến bạn đọc