Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh nổi tiếng của nữ giới

07:37, 18/04/2021

Ít ai biết rằng phát minh liên quan đến phóng xạ của nhà khoa học nữ nổi tiếng Marie Curie ban đầu bị đánh giá sai. Không chỉ phát minh của Marie Curie mà còn nhiều phát minh nổi tiếng khác ban đầu cũng bị chê là… vớ vẩn!

Mary Anderson và phát minh cần gạt nước xe ô tô

Nữ nông dân trồng nho ở Alabama (Mỹ) là Mary Anderson (1866 -1953) đã để lại cho hậu thế một phát minh “để đời” vào năm 1903. Đó là chiếc cần gạt nước kính chắn gió xe ô tô. Nhưng ý tưởng này của Mary Anderson thoạt đầu bị cho là… điên rồ.

Năm 1903, khi đi trong thành phố New York, Mary Anderson phát hiện thấy thỉnh thoảng, tài xế lại phải dừng xe, dùng khăn để lau hơi nước và tuyết phủ trên mặt kính. Quan sát này đã thôi thúc bà phát minh ra chiếc cần gạt nước. Ban đầu nhiều người cho rằng ý tưởng trên là điên rồ và đến năm 1905, Mary Anderson mới nhận được bằng sáng chế của Mỹ.

Nguyên lý hoạt động của cần gạt nước của Mary hết sức đơn giản. Theo đó, hai chiếc cần được gắn vào thân xe, tiếp xúc với mặt kính bằng chiếc lưỡi cao su mỏng. Khi làm sạch, tài xế xoay tay nắm đặt trong ca-bin. Cơ cấu truyền động giúp hai chiếc cần gạt chuyển động lên xuống để gạt tuyết, hơi nước, giúp tầm nhìn rõ hơn. Khi mới ra đời, phát minh này của Mary không được các hãng xe hưởng ứng. Mãi đến 1916, cần gạt nước mới trở thành thiết bị tiêu chuẩn trên tất cả loại xe ở Mỹ. Đến năm 1917 khi mô tơ điện được đưa vào ứng dụng thì cơ cấu chuyển động của cần gạt được cải tiến thêm nhờ phát minh của một nha sĩ người Hawaii là Dr. Ormand Wall bằng cách dùng mô tơ điện phía trên và nằm chính giữa của kính lái. Sau này còn nhiều mẫu cải tiến nữa cùng với tiến trình tiến hóa của công nghệ xe hơi nên cần gạt đã được hoàn thiện như ngày nay.

Mary Anderson và phát minh cần gạt nước.
Mary Anderson và phát minh cần gạt nước.

Mặc dù là “mẹ đẻ” của phát minh cần gạt nước xe ô tô nhưng Mary Anderson lại chẳng nhận được đồng nào cho phát minh của mình. Mãi đến nửa thế kỷ sau, công lao của bà mới thực sự được ghi nhận. Tên của bà đã được ghi danh trên Đại sảnh danh vọng nhà phát minh vào năm 2011.

Marion Donovan và phát minh về chiếc tã lót

Năm 1946, một người nội trợ ở Fort Wayne, Indiana tên là Marion Donovan (1917 - 1998) đã phát minh ra vỏ bọc tã vải không thấm nước dựa trên thiết kế của vòi tắm hoa sen. Không giống như các loại quần áo cao su đã có trên thị trường lúc đó, thiết kế của Marion Donovan không hề làm hăm và không ảnh hưởng đến da của trẻ. Donovan đã được cấp 4 bằng sáng chế cho thiết kế của mình, bao gồm thay thế các cúc bấm nhựa cho các khuy sắt để cố định tã vải lúc bấy giờ.

Sau khi chứng kiến các bà mẹ trẻ phải thay nôi liên tục vì bị ướt bởi trẻ tiểu tiện, Donovan đã nảy ra ý tưởng dùng vật liệu xốp kiểu bọt biển để thay tã vải. Donovan đã dùng tấm rèm cửa cắt thành nhiều mảnh nhỏ, rồi khâu lại tạo thành một cái tã chống thấm nước. Sau khi sản phẩm được các nhà sản xuất tung ra thị trường, bà tiếp tục cải tiến, có thêm phần chụp nhựa, chèn thêm miếng thấm và đặt tên là Boater. Năm 1961, Victor Mills sử dụng sản phẩm này làm nguồn cảm hứng để tạo ra loại tã dùng một lần đầu tiên, có tên là Pampers.

Boater không phải là phát minh cuối cùng của Donovan. Tổng cộng bà đã được công nhận 20 bằng sáng chế, bao gồm cả dây kéo dùng cho loại váy có khóa kéo phía sau, hoặc một loại thiết bị xỉa răng mới... Nhiều phát minh của bà khi mới ra đời bị xem là “vô nghĩa” nhưng trải qua hàng chục năm sử dụng người ta mới thấy giá trị đích thực của nó.

Nguyễn Duy (Dịch từ Ranker–3/2021)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.