Multimedia Đọc Báo in

Điều trị và phòng ngừa sâu răng

10:57, 12/05/2010

Sâu răng là căn bệnh không nguy hiểm đến mức có thể gây tử vong tức thì nên vẫn có nhiều người xem nhẹ việc phòng ngừa và chữa trị chỉ đến khi đau không chịu nổi mới đến cơ sở y tế.

Bệnh sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi  hóa chất vô cơ của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp-xe cuống răng. Sâu răng còn có thể làm vỡ răng, giảm thẩm mỹ của hàm răng và khuôn mặt, gây hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp.
Nguyên nhân gây sâu răng:
Các nguyên nhân chính gây sâu răng là: vi khuẩn và đường có trong thức ăn. Vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng. Còn đường thì tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tùy thuộc vào hình thức chế biến thứa ăn. Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng. Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng, đồng thời tiêu hóa đường để tạo axit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu. Cơ thể thiếu vitamin D, xương hàm bị biến dạng, răng mọc chậm và các tổ chức của răng thiếu vững chắc thì răng cũng dễ bị sâu.
Dấu hiệu sâu răng:
Bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 – 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Thời gian đầu chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt răng, mọi người thường không nhận thấy. Lúc này bệnh sâu răng chưa gây đau nhức. Chỉ  đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng mới thấy đau. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, chua ngọt và khi gõ nhẹ vào răng.
Bệnh sâu răng nếu không được điều trị sẽ đẫn đến viêm tủy răng và gây hoại tử hàm. Môi trường tủy hoại tử là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Từ ổ nhiễm khuẩn này sẽ lan qua lỗ cuống răng để gây viên xương hàm và viêm nhiễm phần mềm là lợi và quanh răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng lan qua các vùng khác của mặt.
Cách điều trị và phòng ngừa sâu răng:
Bệnh sâu răng liên quan trực tiếp tới các bệnh khác trong cơ thể, như: bệnh dạ dày, viêm răng dẫn tới viêm xoang, đau răng hàm dưới và tim  mạch… Vì vậy phòng bệnh sâu răng sẽ tránh được các bệnh khác.
Cách điều trị sâu răng phổ biến nhất là trám răng, nạo sạch ngà vụn, sát khuẩn lỗ sâu và trám kín. Trong một số trường hợp răng sâu nặng, không thể trám được thì phải nhổ.
Để phòng bệnh, mọi người cần phải đánh răng ngay sau khi ăn hoặc ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là đánh răng trước khi đi ngủ. Đánh răng đúng cách là việc quan trọng để làm sạch toàn bộ các răng, dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Nên cầm bàn chải quay 450 về phía lợi, chải kỹ rìa lợi vả cổ răng; dùng kem đánh răng có flour và canxi có tác dụng làm cho men răng cứng hơn, do vậy chống đỡ với vi khuẩn và axit tốt hơn. Đối với các kẽ răng có giắt thức ăn mà bàn chải không chải hết được có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẻ răng.
Tránh ăn nhiều đường, kẹo bánh, nước ngọt, nhất là trước khi đi ngủ.
Súc miệng hằng ngày bằng nước muối loãng.
Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sâu răng và chữa trị kịp thời, đồng thời nên đến bác sĩ lấy cao răng 6 tháng 1 lần.
Ngoài ra, muốn có răng chắc khỏe phải có chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý, giàu vitamin và khoáng chất.

Minh Thu (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc