Một cậu bé 15 tuổi được cấy ghép tim nhân tạo
19:26, 25/10/2010
Một cậu bé 15 tuổi người Ý, đã trải qua một ca phẫu thuật tim kéo dài 10 giờ đồng hồ liên tục, qua đó cậu đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được phẫu thuật cấy ghép vĩnh viễn với một quả tim nhân tạo.
Trước đó, cậu bé đã mắc một chứng bệnh hao mòn cơ bắp được gọi là “Hội chứng Duchenne”, nó gây ra hiện tượng cơ bắp bị thoái hóa nhanh chóng, người bệnh chỉ có thể nằm trên giường, không thể đi lại và dẫn tới tử vong. Chính vì hội chứng bệnh này mà cậu bé đã bị đánh giá là không đủ tiêu chuẩn để có tên trong danh sách chờ được cấy ghép tim. Thế nhưng, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesu, Rome (Ý) vẫn quyết định sẽ tiến hành ca phẫu thuật cấy ghép một quả tim nhân tạo trong cơ thể của cậu bé.
Tiến sĩ Antonio Amodeo cùng với 8 bác sĩ là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, ở bệnh viên Gesu đã tiến hành một ca phẫu thuật, mà theo các chuyên gia, họ đã phải kinh ngạc thốt lên rằng, hoàn toàn không giống với các ca phẫu thuật tim nhân tạo trước đây, ca phẫu thuật vừa trải qua không phải là một giải pháp mang tính tạm thời mà là một cú hích mang tính đột phá vì quả tim nhân tạo sẽ đem đến cho cậu bé một cuộc sống bình thường từ 20 cho tới 25 năm.
Tiến sĩ Antonio Amodeo với một sơ đồ của quả tim nhân tạo được cấy ghép (Ảnh: EPA) |
Tiến sĩ Antonio Amodeo cho hay, quả tim nhân tạo dài khoảng 4 cm, được đặt ngay bên trong tâm thất trái và liên kết với động mạch chủ phía trên. Ông Amodeo phát biểu: “Thiết bị “tim nhân tạo” thực ra là một máy bơm thủy lực hoạt động bằng điện, được đặt ngay tại vùng ngực nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ nhiễm trùng. Nguồn năng lượng cho tim hoạt động được gắn phía sau tai trái, đấu nối với một dạng pin mà bệnh nhân sẽ đeo bên cạnh thắt lưng, loại pin này sẽ được sạc lại điện vào ban đêm y như mọi người vẫn hay sạc điện thoại di động".
Tiến sĩ Antonio Amodeo cho biết thêm, thiết bị này chỉ nặng không đầy 90g nếu so với quả tim của người trưởng thành có thể nặng tới 1 kg. Ông cũng hy vọng rằng sức khoẻ của cậu bé có thể tái bình phục sau 2 tuần phẫu thuật. Tiến sĩ Amodeo lạc quan : “Ca phẫu thuật này đã mở ra những chân trời mới khi nhiều trẻ em cần được phẫu thuật cấy ghép, nhưng số lượng tim hiến tặng chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé và một số bệnh nhân không thể được cấy ghép vì căn bệnh mà họ đang mang trên người. Đây là một ca phẫu thuật mang tính đột phá, vì từ trước tới nay nó chỉ được áp dụng điều trị trên cơ thể các bệnh nhân trưởng thành và thiết bị trên đã làm giảm thiểu tối ưu nguy cơ nhiễm trùng sau khi phẫu thuật tim”.
Đây là lần đầu tiên trên thế giới một thiết bị tim nhân tạo được đặt ngay bên trong cơ thể của một thiếu niên, nó có thể giúp cho cậu bé cải thiện được những hoạt động của cơ thể, mặc dù cậu bé đang mang trong người hội chứng bệnh Duchenne. Gia đình của cậu bé rất hạnh phúc khi con trai của họ đã trải qua ca phẫu thuật một cách thành công tốt đẹp.
Gia Thịnh
(Theo Telegraph)
Ý kiến bạn đọc