Multimedia Đọc Báo in

Năm 2010, cả nước có trên 126.000 ca mắc ung thư mới

03:47, 10/10/2010

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam cho biết, năm 2010, ước tính Việt Nam có tối thiểu 126.307 ca mắc mới ung thư. Tỉ lệ mắc mới ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh. Chỉ riêng tại Bệnh viện K, từ năm 2005 đến 2009 có 71.610 bệnh nhân ung thư. So với  giai đoạn 2001-2004, số bệnh nhân ung thư tăng 2,5 lần. Năm 2010, tỉ lệ mắc mới chung của mọi ung thư ở nam giới là 181,3/100.000 người, cao hơn nhiều so với năm 2000 (141/100.000 người).

 

Bệnh nhi ung thư máu điều trị tại Bệnh viện truyền máu - huyết học TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Tỷ lệ mới mắc ung thư ở nam giới là 181,3/100.000 với những loại mắc mới tăng nhiều là ung thư phổi, thực quản, đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến. Trong khi đó, ở nữ giới, con số này là 134,9/100.000 người, cũng cao hơn nhiều so với 10 năm trước đây (101,6/100.000 người). Thống kê mới nhất cũng cho thấy ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng và ung thư giáp trạng vẫn gặp nhiều nhất ở nữ giới. Đáng quan tâm là tỉ lệ ung thư vú ở giai đoạn sớm chỉ chiếm 35,8% trong khi giai đoạn 3 và 4 chiếm tới gần 65%. Đồng thời, tỉ lệ mắc ung thư tăng dần theo tuổi nhưng tăng nhiều ở độ tuổi từ 40-44 ở cả hai giới. Nguyên nhân của thực trạng trên, theo phân tích của các nhà khoa học là do hút thuốc lá, môi trường sống bị ô nhiễm, sử dụng tràn lan thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật cũng như việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày theo hướng tiêu cực. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, ở Việt Nam, các bệnh ung thư có nhiều người mắc phải vẫn là ung thư phổi, gan, dạ dày, ruột... Những bệnh này có liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt, môi trường, hoàn cảnh, nếp sống. Chẳng hạn, việc sử dụng các món ăn truyền thống được làm theo phương pháp muối mặn để dành; sử dụng các loại thực phẩm ăn nhanh, ăn nhiều đồ chiên, nướng, nhiều chất béo, ăn đồ sống...

Cũng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, ung thư không còn là bệnh nan y ở Việt Nam nhưng thực tế khảo sát tại 12 tỉnh, thành phố với hơn 12.000 người dân thì hầu hết còn nhiều quan niệm sai lệch. Vẫn còn tới 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư không thể chữa được và 35% cho rằng nếu “đụng” dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết. Nhiều người còn giấu bệnh, đi chữa bằng các phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan, chỉ khi bệnh đã quá nặng mới tới bệnh viện. Hậu quả là hơn 70% người bệnh khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng có thể ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin, hoặc thay đổi thói quen ăn uống, dinh dưỡng, tập thể dục thể thao, bỏ bớt thuốc lá, bia, rượu...

K.Oanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc