Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010 ở ngành Y tế: VẪN CÒN NHIỀU LÚNG TÚNG

06:37, 30/11/2010

Sau 5 năm triển khai thực hiện Cải cách hành chính (CCHC), ngành Y tế đã có được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhất là việc áp dụng cơ chế một cửa đối với hành nghề y dược tư nhân đã rút ngắn thời gian, thủ tục cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình CCHC lại xuất hiện không ít khó khăn và nhiều lúng túng…

Giai đoạn 2006-2010, ngành Y tế tỉnh đã áp dụng chương trình CCHC trên các phương diện cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Đến thời điểm này, trên mỗi phương diện đều đã đạt được một số kết quả nhất định. Thành công đầu tiên phải kể đến là ngành Y tế đã hình thành được cơ chế một cửa trong lĩnh vực cấp phép hành nghề y, dược tư nhân. Với cơ chế này đã rút ngắn quy trình tiếp nhận hồ sơ, trình duyệt và trả kết quả, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thực hiện thủ tục hành chính triển khai dịch vụ. Kế đến là vấn đề đào tạo con người. Từ chủ trương CCHC, ngành Y tế đã tăng cường công tác đào tạo cả về quản lý, chuyên môn lẫn phổ cập công nghệ thông tin để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đáp ứng được nhu cầu cao của người dân tỉnh nhà về các dịch vụ y tế. Một kết quả đáng ghi nhận nữa là việc thực hiện chương trình CCHC của ngành đã tạo nhiều thuận lợi hơn cho phía người bệnh. Bởi, khi thực hiện CCHC, các đơn vị y tế đã thay đổi phương pháp giờ giấc làm việc vừa khoa học vừa phù hợp hơn với tình hình thực tế và tập trung vào mục tiêu làm cho người bệnh yên tâm, hài lòng. Chẳng hạn như, theo quy định trước đây, giám đốc bệnh viện là người duyệt đơn thuốc thì nay vấn đề này đã được ủy quyền cho trưởng khoa, trưởng phòng trực tiếp làm thay để người bệnh không phải đi lại nhiều và mất thời gian chờ đợi; hay việc giao ban tại các đơn vị trước đây thực hiện vào buổi sáng với thời gian dài thì nay chuyển sang buổi chiều và thời gian cũng được rút ngắn để tập trung phục vụ người bệnh vì buổi sáng thường là thời điểm người bệnh đông hơn; hoặc khi bệnh nhân ở khoa này đông thì các đơn vị đã có biện pháp linh động là huy động nhân lực từ các khoa khác sang hỗ trợ để chia sẻ công việc.

Nhờ đẩy mạnh CCHC trong ngành Y tế, các bệnh viện đã giảm bớt nhiều thủ tục hành chính cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh.
Nhờ đẩy mạnh CCHC trong ngành Y tế, các bệnh viện đã giảm bớt nhiều thủ tục hành chính cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh.


Theo nhận định của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Phi Tiến, qua 5 năm triển khai CCHC, bên cạnh những kết quả cũng xuất hiện không ít trở ngại. Trên thực tế, để thực hiện tốt chương trình CCHC đòi hỏi ngành phải có đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Hơn nữa, để các đơn vị thực hiện được những dịch vụ y tế kỹ thuật cao cũng cần có nguồn nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, hiện tại, Sở Y tế vẫn chưa có cán bộ, công chức chuyên trách công tác CCHC dẫn đến quá trình triển khai chậm, hiệu quả thấp so với mục tiêu đề ra. Mặt khác, chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế lại không đủ hấp dẫn để mời gọi nguồn nhân lực có trình độ cao. Không những thế, chính sách xã hội hóa y tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển nhanh, các loại hình dịch vụ y tế đa dạng lại có mức thu nhập cao khiến cho không ít cán bộ y tế có trình độ ở đơn vị y tế công bỏ việc ra làm y tế tư nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ đại học và sau đại học. Có lẽ, chính việc thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cũng chính là nguyên nhân khiến cho ngành Y tế chưa thể áp dụng được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, mặc dù chương trình CCHC đã được triển khai gần 5 năm. Qua tìm hiểu được biết, để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 vào hoạt động CCHC ở ngành Y tế, điểm mấu chốt vẫn là kiến thức và con người. Bởi, trong việc chuyển đổi cách quản lý từ hành chính, quan liêu sang vai trò điều hành bằng chính sách và công việc dịch vụ thì việc cơ cấu lại hệ thống sao cho gọn nhẹ, rõ việc, rõ người, thủ tục đơn giản là yêu cầu cơ bản. Song, để thực hiện được thì nguồn nhân lực và trình độ, năng lực luôn là yếu tố quan trọng. Trong khi đó, hiện tại, ở ngành Y tế cả 2 yếu tố này đều đang thiếu hụt. Ngoài ra, cũng còn nhiều yếu tố khác làm cho chương trình CCHC ở ngành Y tế không đạt được hiệu quả như mong muốn cụ thể: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước còn chậm, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt yêu cầu; cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị trong ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tính tất yếu của CCHC, còn tồn tại thói quen, nếp nghĩ, cách làm thủ công, máy móc; công tác tuyên truyền về CCHC chưa được thực hiện thường xuyên…

Rõ ràng, để thực hiện CCHC ở ngành Y tế đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngoài việc cần có những chủ trương hợp lý, sát thực tế hơn thì sự chủ động của những người trong cuộc vẫn là yếu tố tiên quyết.

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc