Multimedia Đọc Báo in

Thông tin y học mới

19:21, 10/12/2010

Băng y học thể hiện tình trạng vết thương:

 
Viện nghiên cứu Frannhofer  (Đức) vừa  sản xuất thành công một loại băng dán y học. Nó không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn có tác dụng hiển thị tình trạng vết thương. Theo đó, nếu vết thương nhiễm trùng băng sẽ chuyển sang màu hồng.  Giống như các loại băng y học khác, loại băng nói trên có tác dụng cách ly vết thương nhưng điều đặc biệt hơn là nó cho biết tình trạng sức khỏe của vết thương. Thông thường da khỏe mạnh hoặc những vết thương đã lành thường có độ pH axít từ 5-6, nhưng  khi độ kiềm tăng cao, nghĩa là vết thương đang bị nhiễm trùng. Đối với loại băng này nếu độ pH từ 6,5 đến 8,5 nó tự động ngả sang màu hồng, báo cho bác sĩ biết cách điều trị mà không nhất thiết phải thay băng mới. Lợi thế là không cần thay băng, hạn chế việc tăng nhiễm trùng do thay băng và những thủ tục cần thiết khác đồng thời giảm đau cho người bệnh, nhất là nhóm người chịu đau kém như trẻ em hay người cao tuổi.

2.Chuyển đổi tế bào da trực tiếp thành tế bào máu: Các chuyên gia ĐH McMaster ở Ontario (Canada) vừa thực hiện thành công một nghiên cứu đột phá, chuyển đổi các tế bào da thành các tế bào máu, mở ra một triển vọng mới trong lĩnh vực điều trị các loại bệnh ung thư, tránh được những nhược điểm trong việc sản xuất tế bào gốc mà hiện đang được dư luận tranh cãi, nhất là cho những người có nhu cầu về máu để phẫu thuật, điều trị ung thư hoặc các căn bệnh khác cần phải tiếp máu tương thích. Đây là một nghiên cứu kéo dài 2 năm, trong đó các nhà khoa học đã sử dụng các tế bào da trưởng thành và tế bào da của những đứa trẻ mới chào đời, tất cả đều có thể tạo ra những tế bào máu hợp cách, có chất lượng cao. Sau đó người ta bổ sung vào cho tế bào da một loại gen có tên là OCT4 và một nhóm protein hay còn gọi là các nhân tố phiên bản máu. Tùy thuộc vào hỗn hợp protein, các tế bào da sẽ chuyển đổi thành các tế bào máu, kể cả các tế bào máu đỏ, tế bào bạch cầu và tiểu cầu. Các nhà khoa học còn chứng minh được rằng các tế bào da có thể chuyển đổi thành bất kỳ một dạng tế bào gốc đa năng khác và sau đó chuyển tiếp thành bất kỳ dạng tế bào nào của cơ thể. Trong nghiên cứu này, nó có thể chuyển đổi trực tiếp thành các tế bào máu mà không cần phải qua bước tế bào gốc ban đầu, ngoài ra tốc độ chuyển đổi của nó cũng rất nhanh, an toàn và thuận lợi, khắc phục được tình trạng tốn kém hoặc những khuyết tật ở khâu nghiên cứu tế bào gốc, và những vấn đề nhạy cảm về đạo đức mà dư luận hiện đang quan tâm.

3. Phát hiện ra gen gây say rượu:

 
Nhóm chuyên gia ở ĐH North Carolina (Mỹ) vừa tìm ra một biến thể gen có liên quan đến chứng nghiện rượu ở con người, có tên là CYP2E1 và qua nghiên cứu cho thấy có tới 10% số người mang gen này khi rượu vào thường có mức độ “phê” mạnh hơn, nhanh hơn so với những người không mang gen nói trên. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tuyển chọn hàng trăm cặp anh em cùng một gia đình, độ tuổi giống nhau. Ban đầu nhóm người này được dùng lượng rượu sản xuất từ ngũ cốc và sô đa, tần suất 3 lần uống, sau đó họ trả lời một loạt câu hỏi để kiểm chứng mức độ say, không say, buồn ngủ hoặc không buồn ngủ. Sau đó các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu di truyền để xác định vị trí gen CYP2E1. Đây là gen được khoa học quan tâm từ lâu, bởi nó có nhiệm vụ giải mã một enzyme có nhiệm vụ chuyển hóa cồn. Thông thường khi cồn đi vào cơ thể được một số enzyme chuyển hóa và khử ngay trong gan. Tuy nhiên gen CYP2E1 lại không làm việc trong gan mà nó lại làm việc trong não, như vậy cơ chế làm việc của CYP2E1 khác so với một số enzyme, hậu quả tạo ra các phân tử siêu nhỏ có tên là các gốc tự do, gây hại đối với các tế bào não, bởi vậy những người mang gen này dễ bị say và tạo ra nhiều gốc tự do gây nguy hiểm cho cơ thể. Nhờ biết được gen nói trên, trong tương lai người ta sẽ sản xuất được các loại thuốc để “chế ngự” CYP2E1. Ví dụ như tìm ra loại thuốc cai rượu cho những người có gen này hoặc giúp họ khắc phục được những phản ứng bất lợi do chính rượu gây ra.

 
4.Hormone gan - thủ phạm gây hiện tượng kháng insulin: Tạp chí Chuyển hóa tế bào (CM) của Mỹ số ra đầu tháng 11/2010 đăng tải một nghiên cứu do các chuyên gia ĐH Y khoa Kanazawa (Nhật Bản) thực hiện, phát hiện thấy một loại hormone do gan sản xuất gây kháng insulin, thủ phạm gia tăng bệnh tiểu đường tuýp II. Trước nghiên cứu trên, nhóm đề tài đã phát hiện thấy các gen này giải mã các protein đặc biệt ở trong gan của những người mắc bệnh tiểu đường tuýp II. Với phát hiện trên và qua phân tích ở các mô mỡ của động vật cho thấy gan cũng là bộ phận làm gia tăng bệnh tiểu đường tuýp II vì hiện tượng kháng insulin thông qua protein có tên là hepatokines. Qua phân tích về giải mã gen các nhà khoa học phát hiện thấy trong cơ thể những người mắc bệnh tiểu đường tuýp II thường có mức selenoprotain P (SeP) rất cao, nhất là những người kháng insulin.  SeP là loại protein được sản xuất ra trong gan làm nhiệm vụ vận chuyển xêlen vi lượng chủ yếu từ gan đi các bộ phận khác của cơ thể. Theo các nhà khoa học thì quá trình kháng insulin không phải chỉ do SeP gây ra mà còn do nhiều yếu tố khác như mô mỡ thông qua quá trình sản xuất ra các loại hormone có tên là adipokines. Phát hiện mới này giúp các nhà khoa học hiểu sâu thêm về nguyên nhân kháng insulin, về chức năng gan, bước tiến mới giúp con người tìm ra những loại thuốc thế hệ mới chữa bệnh tiểu đường tuýp II hoặc những căn bệnh có liên quan do chuyển hóa do gan gây ra.

Khắc Hùng (Theo PS- 11/2010)

 


Ý kiến bạn đọc