Tự đánh giá hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS
Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, tính đến ngày 30-9-2010 cả nước có 180.312 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 42.339 bệnh nhân AIDS. Đến nay, cả nước có 74% số xã phường, 97,8% số quận huyện trên toàn quốc đã có báo cáo về người nhiễm HIV/AIDS.
Tỉnh ta hiện có 1.497 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 596 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 341 ca đã tử vong. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là một phần nhỏ, số ca nhiễm HIV/AIDS trên thực tế có thể hơn gấp nhiều lần bởi có những người không hề biết mình bị nhiễm HIV, một số có nguy cơ nhưng không đi xét nghiệm, một số người sợ bị kì thị nên đi xét nghiệm tại nơi khác và không thông báo kết quả về cho địa phương. Từ thực tế trên việc chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng là một vấn đề rất cần thiết. Chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng là người bệnh nhận được sự chăm sóc ngay tại chính nhà của họ do các thành viên trong gia đình, người thân, bạn bè, các tình nguyện viên thực hiện. Điều cần thiết người bị nhiễm HIV/AIDS cần phải dũng cảm tự đứng dậy giữ gìn cuộc sống của mình.
Nhiều người vẫn cho rằng, chỉ những đối tượng hành nghề mại dâm, nghiện ma túy mới bị nhiễm HIV/AIDS còn những người khác thì không sao. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS và mỗi người có một nguy cơ nhiễm HIV khác nhau. Hiện nay HIV/AIDS không còn giới hạn trong phạm vi đối tượng có nguy cơ cao mà đã lan rộng ra cộng đồng như phụ nữ mang thai, tân binh, công nhân, có những gia đình cả vợ chồng, con cái, anh chị em đều bị nhiễm HIV,... Bạn có thể trả lời những câu hỏi sau để tự đánh giá nguy cơ quyết định có làm xét nghiệm HIV hay không:
1. Tại sao bạn nghĩ rằng bạn có thể đã bị nhiễm HIV?
2. Bạn đã từng quan hệ tình dục hay chưa? Nếu “có” thì:
- Bạn quan hệ tình dục theo kiểu nào? đường âm đạo, đường miệng, hay đường hậu môn?
- Bạn đã bao giờ có quan hệ tình dục với người mà bạn biết là bị nhiễm HIV hay chưa?
- Bạn đã bao giờ có quan hệ tình dục với người mà bạn cho rằng có thể nhiễm HIV hay không? (ví dụ: người hành nghề mại dâm, với nam giới có quan hệ đồng tính, với người đã từng được truyền máu hoặc với người đến từ một nơi có tỷ lệ nhiễm HIV cao)
- Trong năm vừa qua bạn có bao nhiêu bạn tình?
- Bạn đã từng có bao nhiêu bạn tình?
- Bạn có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không?
- Bạn có luôn sử dụng hay chỉ thỉnh thoảng?
3. Bạn đã bao giờ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa?
4. Bạn đã bao giờ được truyền máu chưa?
5. Bạn đã bao giờ được tiêm bằng kim tiêm đã sử dụng cho người khác mà không được tiệt trùng sau đó hay chưa?
6. Bạn đã bao giờ bị kim tiêm hay dụng cụ y tế bẩn đâm phải chưa?
7. Bạn đã bao giờ tiêm chích ma túy hay chưa? Nếu có thì đã bao giờ bạn sử dụng chung bơm kim tiêm không?
8. Bạn đã bao giờ bị Zona (hay giời leo) hoặc bệnh lao chưa?
Nếu bạn trả lời “có” cho bất cứ câu hỏi nào trong các câu hỏi trên thì bạn nên đi xét nghiệm HIV.
Một số địa chỉ tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí tại tỉnh ta
1. Phòng tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Dak Lak)
Địa chỉ: 46 Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột
Điện thoại: 0500.3811322
2. Phòng tư vấn và xét nghiệm HIV (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)
Địa chỉ: 72 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột
Điện thoại: 0500.3810450
3. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột)
Địa chỉ: 133 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Buôn Ma Thuột
4. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế huyện Krông Pak)
5. Phòng khám ngoại trú và điều trị ARV (BVĐK tỉnh)
Địa chỉ: 02 Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột
Tại các huyện khác, nếu có thắc mắc về HIV/AIDS hãy đến cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và giới thiệu về các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS.
Khi đến các Trung tâm tư vấn, bạn sẽ được làm xét nghiệm miễn phí, đồng thời được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc