Những hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng
10:18, 27/02/2011
Có dịp theo chân các y, bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đến những buôn làng xa xôi trên địa bàn tỉnh, điều mà chúng tôi cảm nhận từ những con người khoác trên mình chiếc áo blouse này là niềm hạnh phúc được chia sẻ, được góp phần làm dịu bớt khó khăn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh bất hạnh…
Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh khám và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Kpă Y Khoa) |
Được thành lập năm 2008, từ một chi hội chỉ có 15 thành viên, đến nay Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã có trên 300 thành viên ở tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh tới huyện. Sau hơn 3 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Thầy thuốc trẻ đã có những hoạt động tích cực mang đặc thù của ngành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Thực hiện chủ đề “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng” hằng năm Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã khám cấp phát thuốc, tư vấn sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2010, Hội đã tổ chức 16 đợt khám bệnh phát thuốc miễn phí cho hơn 6.500 đồng bào vùng sâu vùng xa, của các huyện Ea H’leo, Krông Bông, Cư M’gar, Lak, Ea Súp, Krông Ana, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ với tổng cơ số thuốc trị giá trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội đã trao 500 suất quà, mỗi suất trị giá 150.000 đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, gia đình có công với cách mạng. Ngoài việc trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc, trong mỗi đợt công tác xã hội, các thành viên của Hội Thầy thuốc trẻ còn hướng dẫn người dân một số phương pháp phòng, chống các bệnh thông thường, như: đau mắt đỏ, các bệnh về da, răng miệng, phòng chống sốt xuất huyết, tiêu chảy, huyết áp, bệnh của những người cao tuổi… Buôn trưởng Ama Hiêng (buôn Xóm A, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) tâm sự: “Nhờ thầy thuốc về khám bệnh, phát thuốc và hướng dẫn phòng trừ một số bệnh thông thường, người dân buôn mình vui lắm. Giờ hễ ốm đau gì là người dân đều ra Trạm xá khám và lấy thuốc về dùng, không tin lời thầy mo như trước đây nữa”. Do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn bà con vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện để đến các cơ sở y tế khám bệnh cũng như sự hiểu biết về cách phòng bệnh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi thấy Đoàn về khám nhân đạo, bà con rất phấn khởi. Vừa đưa túi thuốc chữa bệnh đau khớp ra, già Ama Mớt (buôn Xóm A, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) vừa khoe: “Đợt trước được thầy thuốc trẻ về buôn khám và cho thuốc uống nên cái chân của già không còn đau nhiều nữa. Nếu không có cái “Bệnh viện di động”của bác sĩ trẻ về buôn chắc già không có cơ hội được chữa bệnh như bây giờ”. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Ngô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Những chuyến đi khám bệnh và cấp thuốc ở các xã vùng sâu, vùng xa là dịp để thầy thuốc trẻ tiếp xúc nhiều hơn với người dân. Qua đó, tìm hiểu những thói quen ăn ở, sinh hoạt của bà con để có những khuyến cáo kịp thời giúp bà con tự bảo vệ sức khỏe của mình”.
Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cấp phát thuốc miễn phí cho người dân thôn 1 xã Ea Trang, huyện M'Drak. (Ảnh: T. A) |
Với những thầy thuốc trẻ họ không nhớ hết mình đã tham gia khám bệnh, cấp phát thuốc, tư vấn cho bao nhiêu người dân, nhưng mỗi lần đến với người dân là họ được trải nghiệm về cuộc sống, được học từ chính người dân. Bởi người thầy thuốc không chỉ tận tụy chữa bệnh mà còn phải tạo được niềm tin với người bệnh. Niềm tin ấy chỉ có được khi người thầy thuốc xem nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của mình, xem người bệnh như người thân của mình. Có thể nói, với các y, bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ, cả tuần làm việc trong bệnh viện áp lực khám, cứu, chữa cho các bệnh nhân không phải là nhỏ. Được ngày cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, thế nhưng họ vẫn hăng hái vác ba lô máy móc, thuốc thang đi hàng trăm cây số đến với những vùng đất khó - nơi những bệnh nhân nghèo đang chờ đợi họ. Anh Phan Thành Trinh, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh chia sẻ: “Điều thôi thúc những bác sĩ trẻ đến phong trào tình nguyện với một tinh thần không mệt mỏi là những ánh mắt mong đợi của bệnh nhân nghèo và cái tâm “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc ”. Tham gia phong trào tình nguyện, các thầy thuốc trẻ không chỉ được trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn trau dồi vốn sống, đạo đức nghề nghiệp cho mình. Bác sĩ Lâm Thái Hùng, Bí thư chi đoàn Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Hội Thầy thuốc trẻ như ngôi nhà thứ 2 của các y, bác sĩ, nơi chúng tôi chia sẻ với nhau chuyện đời, chuyện nghề qua các buổi sinh hoạt, chuyến công tác, để từ đó mọi người hiểu và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong chuyên môn”.
Những năm qua, Hội Thầy thuốc trẻ không chỉ góp phần giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc trẻ đối với cộng đồng, nhân dân khi khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn người dân mà còn thể hiện rõ tinh thần cách mạng của đoàn viên thanh niên sẵn sàng tình nguyện hướng về những vùng đất xa xôi, nghèo khó, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuấn Anh - Kpă Y Khoa
Ý kiến bạn đọc