Multimedia Đọc Báo in

Những thầy thuốc gắn bó với cộng đồng

10:54, 09/02/2011

Là những người công tác tại tuyến cơ sở, điều kiện làm việc hết sức khó khăn, thiếu thốn, song những y bác sĩ, lương y ấy luôn tâm huyết với nghề để người bệnh mỉm cười sau mỗi lần gặp mặt. Và quyết tâm bám trụ với vùng sâu, vùng xa bởi lý do hết sức giản đơn là mọi người ở nơi ấy rất cần đến họ…

Trọn tấm lòng lương y như từ mẫu

Lương y Hoàng Văn Cường đang kiểm tra dược liệu trong kho. (Ảnh: K.O)
Lương y Hoàng Văn Cường đang kiểm tra dược liệu trong kho. (Ảnh: K.O)

Sinh trưởng trong một gia đình có nghề làm thuốc gia truyền, ngay từ nhỏ lương y Hoàng Văn Cường đã được làm quen với y học qua việc ngồi tán thuốc và xem cha bắt bệnh cho mọi người. Học xong phổ thông, ông tiếp tục theo học Trường y học cổ truyền dân tộc Phú Thọ với mong muốn duy trì nghề gia truyền của gia tộc và cái nghề “bốc thuốc cứu người” bén duyên từ đó.

Năm 1970, rời ghế nhà trường, ông Cường lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1975, ông được chuyển ngành về công tác ở một cơ quan tại Hà Nội, song, chỉ ít năm sau đó ông xin nghỉ việc để về quê kế nghiệp gia truyền. Đến năm 2002, rời quê hương Nam Định, gia đình ông Cường chuyển vào sinh sống tại xã biên giới Ya T’mốt (huyện Ea Súp). Cuộc sống nơi vùng đất mới chồng chất khó khăn, cộng với thời tiết vùng biên khắc nghiệt khiến cho nhiều người dân trong vùng, nhất là người cao tuổi thường xuyên đau ốm. Biết ông có nghề làm thuốc gia truyền, bà con trong vùng mỗi khi đau ốm lại tìm đến ông để cậy nhờ.  Chẳng một chút đắn đo, nề hà, hễ có người tìm tới thì dù là bệnh nhẹ hay nặng ông đều dành thời gian xem bệnh kỹ lưỡng và cắt thuốc điều trị. Vốn có tiếng là “mát tay” nên sau vài lần dùng thuốc của ông, người bệnh nhẹ thì khỏi ngay, còn người bệnh nặng cũng thuyên giảm đôi, ba phần. Điển hình nhất là trường hợp của bà Ngân Thị Duyên, 60 tuổi (trú tại thôn 11, xã Ya T’mốt bị bệnh hàn đờm ủng tắc và ho nhiều, đã từng đi điều trị tại cơ sở y tế nhiều lần nhưng bệnh không thuyên giảm. Được mọi người mách bảo, bà Duyên tìm đến lương y Hoàng Văn Cường với hy vọng mong manh. Nhưng, chỉ sau một thời gian chữa trị bằng đông y, bệnh của bà Duyên đã khỏi hẳn. Mỗi một ca bệnh nặng được chữa khỏi, niềm tin của người dân về những phương thuốc đông y của ông Cường càng thêm lớn.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh cho người dân, ở vai trò của Chủ tịch Hội Đông y xã, ông Cường còn vận động hội viên và người dân tham gia tìm kiếm, đóng góp dược liệu để tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Chỉ mới hơn 1 năm, số dược liệu người dân đóng góp cho Hội đã lên đến 400kg. Có dược liệu, ông Cường đã vận động các lương y trên địa bàn tham gia hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho bà con. Qua đó, trên 350 lượt người đã được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí với cơ số thuốc trị giá gần 22 triệu đồng. Lồng ghép trong mỗi lần khám chữa bệnh, ông Cường còn cùng các hội viên tổ chức tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được tác dụng của cây thuốc nam có sẵn quanh nhà để bà con biết và sử dụng khi đau ốm…

Không thể kể hết những cống hiến thầm lặng của người lương y ấy, nhưng chúng tôi được biết ông hiện là chỗ dựa tinh thần của nhiều người bệnh, nhất là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn ở Ya T’mốt. Niềm đam mê với phương thuốc gia truyền của gia đình và tấm lòng hướng thiện đã giúp ông trở thành “từ mẫu” trong lòng người dân quanh vùng.

“Bác sĩ của dân”

Bác sĩ Võ Thanh Dũng luôn ân cần chu đáo với người bệnh. (Ảnh: M.T)
Bác sĩ Võ Thanh Dũng luôn ân cần chu đáo với người bệnh. (Ảnh: M.T)
Bác sĩ (BS) Võ Thanh Dũng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã gắn bó phần lớn cuộc đời với đồng bào vùng sâu, vùng xa, cố gắng không ngừng nghỉ chăm lo khám chữa bệnh cho người dân hai huyện Krông Bông, Lak và được mọi người yêu quý.

Anh Dũng bắt đầu bước vào nghề năm 1981 khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lak, được 10 năm thì về làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Trul (huyện Krông Bông). Lúc mới về nhận công tác ở đây, cơ sở vật chất khám chữa bệnh còn sơ sài, đội ngũ y bác sĩ quá ít. Khó khăn càng lớn khi dịch tiêu chảy, sốt rét, dịch hạch hoành hành dữ dội (năm 1992). Trong thời gian này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện và chủ một số phòng khám tư ở Krông Bông đã nhiều lần thuyết phục mời anh về cộng tác làm việc để có cơ hội thăng tiến và thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, anh đã từ chối vì muốn chia sẻ với những khó khăn của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Không đầu hàng và nản chí, anh phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng huyện thực hiện các biện pháp tích cực để khống chế dịch, chăm lo công tác vệ sinh môi trường, nhờ đó vấn nạn dịch bệnh chấm dứt, anh Dũng được bà con tin tưởng và coi như “vị cứu tinh”. Năm 1998, anh được điều về làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Yang Reh và gắn bó ở đó cho đến nay. Về đơn vị công tác mới tuy cơ sở vật chất trang thiết bị đỡ thiếu thốn hơn nhưng một khó khăn rất lớn là quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc khám chữa bệnh còn rất hạn chế. Anh tích cực tuyên truyền vận động để bà con hiểu và đến cơ sở y tế mỗi khi đau ốm.

Dù ở đơn vị công tác nào, BS Dũng cũng luôn nêu cao trách nhiệm “lương y như từ mẫu”, tận tình, chu đáo và hết lòng với bệnh nhân. Hằng ngày, công việc của anh bắt đầu từ sáng sớm kết thúc khi trời đã tối, khám bệnh, kiểm tra tình hình bệnh nhân và làm nhiệm vụ quản lý. Anh luôn cố gắng chẩn đoán đúng và kịp thời, bệnh nhân nặng mới cho chuyển lên tuyến trên, trường hợp bệnh không quá phức tạp anh tìm cách điều trị để giảm chi phí cho họ. Có bệnh nhân cấp cứu hay ca đẻ khó lúc nửa đêm, dù mưa gió BS vẫn đến kịp thời.

Gần 30 năm gắn bó với việc chăm lo sức khoẻ cộng đồng, BS Võ Thanh Dũng được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân (năm 2009) cùng nhiều bằng khen của ngành Y tế, được mọi người gọi một cách trìu mến “bác sĩ của dân”. 

Ân tình của người bệnh là hạnh phúc người thầy thuốc

Bác sĩ Hoàng Ngọc Xuân Lộc đang kiểm tra huyết áp của người bệnh. (Ảnh: Minh Thông)
Bác sĩ Hoàng Ngọc Xuân Lộc đang kiểm tra huyết áp của người bệnh. (Ảnh: Minh Thông)

Là một bác sĩ (BS) chuyên khoa Y học cổ truyền giàu tài năng và y đức, từng có nhiều cơ hội làm việc ở các bệnh viện lớn nhưng BS Hoàng Ngọc Xuân Lộc (Chủ tịch Hội Đông y huyện Krông Ana) đã quyết định gắn bó với công việc khám, chữa bệnh cho người dân nơi đây.

Sinh ra ở Cố đô Huế nhưng cuộc đời BS Lộc lại gắn bó với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Sau khi tốt nghiệp ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh năm 1993, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như một mình phụ trách công việc của phòng khám Đông y trong khi trang thiết bị, điều kiện làm việc hết sức hạn chế. Năm 1996, anh về làm Chủ tịch Hội Đông y huyện Krông Ana khi mới thành lập. Mặc dù làm công tác hội nhưng anh vẫn chuyên tâm với chuyên môn khám và bốc thuốc cho bệnh nhân. Với bất kỳ bệnh nhân nào, BS Lộc cũng ân cần, chu đáo từ việc bắt mạch, đo huyết áp, thân nhiệt, nghe nhịp tim đến bốc thuốc…, tuy nhiên, tùy thể trạng và thể bệnh của từng bệnh nhân mà có sự điều chỉnh thích hợp. BS luôn tuân thủ những nguyên tắc của tứ chẩn (4 nguyên lý để chẩn đoán bệnh), bát cương (8 cương lĩnh), bát pháp (8 phương pháp khám chữa bệnh) trong Đông y và sử dụng thêm một số phương pháp của Tây y để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Nghe tiếng tăm về tay nghề của người BS Y học cổ truyền nhân đức, nhiều người bị đau lưng, khớp, liệt, thần kinh tọa…không chỉ ở Krông Ana mà từ các huyện Lak, Krông Buk và Krông Nô (tỉnh Dak Nông) xa hàng chục ki-lô-mét cũng lặn lội tìm đến bốc thuốc. Rất nhiều bệnh nhân đã đến với BS Lộc và được chữa khỏi bệnh, không mất nhiều tiền, nhưng anh nhớ nhất là một phụ nữ người Êđê ở xã Băng A Drênh đến điều trị năm 2001. Bệnh nhân này bị liệt dây thần kinh thứ 7, gọi thầy cúng đuổi “con ma trong người” suốt một tuần mà không khỏi nên tìm đến Hội nhờ BS Lộc điều trị. Sau nửa tháng châm cứu, chị khỏi hẳn bệnh, hết sức vui mừng và đem mấy cân…gạo nếp đến biếu để cảm ơn. Ân tình của người bệnh và những niềm vui nho nhỏ như thế là niềm hạnh phúc, tạo động lực cho BS tiếp tục gắn bó với nghề.

Với những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở địa phương trong những năm qua, BS Hoàng Ngọc Xuân Lộc đã được UBND tỉnh, Trung ương Hội Đông y … tặng nhiều Bằng khen, nhưng sự ghi nhận lớn nhất là niềm tin yêu của bà con khắp buôn xa, làng gần.

Chỗ dựa của những bệnh nhân lao phổi

Y sĩ Hồ Ngọc Thoại (bìa phải) khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại Trạm y tế xã. (Ảnh: Thế Hùng)
Y sĩ Hồ Ngọc Thoại (bìa phải) khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại Trạm y tế xã. (Ảnh: Thế Hùng)
Từ nhiều năm nay, y sĩ Hồ Ngọc Thoại, Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Phê (huyện Krông Pak) luôn là chỗ dựa tinh thần cho những bệnh nhân lao phổi trên địa bàn. Gần 50 tuổi đời và hơn 25 năm mang trên mình sắc áo “blue trắng”, đôi chân anh đã in dấu khắp các nẻo đường thôn, buôn.

Công tác ở Trạm y tế xã Ea Phê từ những ngày đầu mới ra trường, anh nhận thấy đời sống của người dân nơi đây khó khăn và còn nhiều trường hợp mắc bệnh lao phổi. Do không hiểu biết về căn bệnh nên nhiều người dân có định kiến, cho rằng: Lao phổi là bệnh nan y di truyền từ đời này qua đời khác, trong gia đình nếu ông bà bị bệnh thì con cháu sẽ mắc bệnh theo. Vì thế, những người mắc bệnh lao thường bị mọi người xa lánh nên họ tìm cách giấu bệnh, không đến thăm khám tại Trạm y tế mà tự chạy chữa ở nhà. Từ đó, dẫn tới bệnh ngày càng nặng thêm và kết thúc cuộc đời bằng cái chết oan uổng. Trước thực tế đó, ngoài thời gian khám, chữa bệnh tại trạm, anh cùng các đồng nghiệp xuống tận thôn, buôn trong xã, để khám cho những người vì mặc cảm, tự ti mà đang dần hủy hoại cuộc sống của mình. Đồng thời, kết hợp với thăm khám là tuyên truyền để người dân hiểu, lao phổi là bệnh có thể chữa trị dứt điểm nếu phát hiện kịp thời và cứu chữa đúng cách. Mỗi lần khám, chữa bệnh cho bà con là những lần để lại trong anh những kỷ niệm không thể nào quên, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm y sĩ của anh là cứu chữa cho bệnh nhân Y Blung, ở buôn Phê. Anh kể: Y Blung (25 tuổi) mắc bệnh đã mấy năm rồi nhưng mặc cảm vì bị mọi người xa lánh nên luôn sống khép mình, hơn nữa hoàn cảnh gia đình không có tiền để chạy chữa nên ở nhà tự tìm lá rừng về chữa trị, mời thầy cúng về bắt tà ma. Lúc bệnh tình nguy hiểm đến tính mạng thì gia đình mới cho gọi bác sĩ. Khi chúng tôi đến thì bệnh nhân đang lên cơn co giật, ho khạc ra máu. Không thể chậm trễ, tôi vội truyền dịch rồi chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế để được tiếp tục điều trị. Sau đó, nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ tại trạm, Y Blung đã khỏi bệnh và khỏe mạnh. Kể từ đó, người dân đã hiểu rõ hơn về bệnh lao phổi, thường xuyên ra trạm để khám và chữa trị kịp thời nếu phát hiện được bệnh và không còn cảm giác sợ sệt nữa.

Trong những năm qua, y sĩ Thoại không chỉ quan tâm đến sức khỏe của người bệnh đến Trạm khám mà còn tổ chức khám bệnh từ thiện cho bà con nghèo ở những buôn xa không có điều kiện tới trạm y tế. Trong thâm tâm anh luôn nghĩ, được chăm lo sức khỏe cho người dân là tâm nguyện của người thầy thuốc, khi người bệnh được khỏe mạnh thì mọi vất vả đều tan biến hết. Giờ đây, ngoài công tác chuyên môn, anh luôn rèn luyện y đức, thực hiện theo lời dạy của Bác ”Lương y phải như từ mẫu”.

Hết lòng với việc thiện

Lương y Bùi Văn Hoành đang chẩn bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh: K.O)
Lương y Bùi Văn Hoành đang chẩn bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh: K.O)

Không chỉ nổi tiếng trong huyện, trong tỉnh, lương y Bùi Văn Hoành, Chủ tịch Hội Đông y huyện Ea Kar còn được người dân ở nhiều nơi kính trọng biết đến vì tấm gương đạo đức của ông, luôn hết lòng làm việc thiện và biệt tài chữa các bệnh động kinh, tai biến mạch máu não và u nang buồng trứng ngoài tử cung.
Là người con của gia đình có 5 đời theo nghề “bốc thuốc cứu người”, suốt mấy chục năm qua, ông Hoành luôn sống vì cái tâm và sẵn sàng hy sinh tất cả để giữ gìn phương thuốc gia truyền của dòng tộc với mong ước chữa lành bệnh cho tất cả những ai tìm đến với mình. Hơn 30 năm gắn bó với người bệnh, ông không thể nhớ nổi mình đã tự tay cứu chữa cho bao nhiêu bệnh nhân. Chỉ biết rằng người bệnh tìm đến ông ở khắp mọi nơi, có người trực tiếp tìm đến, người ở xa thì tư vấn qua điện thoại và gửi thuốc theo đường bưu điện. Dù là người bệnh có tiền hay không có tiền thì ông cũng tận tình cứu chữa, bởi với ông, hạnh phúc lớn nhất trong nghề là mọi người bệnh đến với mình đều được chữa khỏi. Với phương thuốc gia truyền nổi tiếng của gia đình, đến thời điểm này, đã có trên 100 bệnh nhân bị u nang buồng trứng, động kinh và tai biến mạch máu não ở cả trong và ngoài tỉnh đã được ông chữa khỏi. Đặc biệt, cách chữa trị bằng Đông y của ông Hoàng giúp cho người bị bệnh u nang buồng trứng và tai biến mạch máu não tránh được nguy cơ phải can thiệp bằng phẫu thuật, gây đau đớn cho cơ thể, đồng thời tiết kiệm được bội phần chi phí trong điều trị.

Song song với việc khám chữa bệnh cứu người, những năm qua, lương y Bùi Văn Hoành còn tích cực làm từ thiện. Đã có rất nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến phòng mạch của ông được khám bệnh, chữa bệnh miễn phí. Thậm chí, có những người đến chữa bệnh nhưng hoàn cảnh quá khó khăn còn được ông nuôi ăn miễn phí cả một thời gian dài, đến khi khỏi bệnh, ông lại cho tiền đi xe về nhà. Không những thế, mỗi khi có thời gian, ông lại sắp xếp tham gia cùng lương y khác trên địa bàn tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho bà con trong vùng. Chính vì có tấm lòng trong sáng, nhân hậu ấy mà lương y Bùi Văn Hoành luôn nhận được sự kính trọng, yêu mến của mọi người xung quanh. Và điều này được ông cho là tài sản vô giá của đời mình sau bao năm miệt mài gây dựng mà không gì có thể đánh đổi được.

Có thể thấy, với y đức của mình cộng với tấm lòng hướng thiện được nuôi dưỡng từ nhỏ trong gia đình có truyền thống bốc thuốc cứu người, lương y Bùi Văn Hoành xứng đáng là “từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kim Oanh – Minh Thông – Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc