Multimedia Đọc Báo in

Y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh và tấm lòng với người bệnh

10:35, 27/02/2011

Được tách từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 7-2008, Bệnh viện Tâm thần tỉnh nằm khuất sau khoa Nội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với diện tích chỉ 600m2, gồm 6 khoa, phòng, 50 giường bệnh và 61 cán bộ viên chức (trong đó chỉ có 6 bác sĩ và 5 điều dưỡng). Từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận khám hơn 8.000 lượt người, điều trị nội trú gần 1.400  trường hợp, công suất sử dụng giường bệnh trên 90%. Với nguyên nhân từ áp lực xã hội số bệnh nhân tâm thần nhập viện trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, tính riêng trong năm 2010,  số bệnh nhân điều trị nội trú là 732 trường hợp nhưng điều trị ổn định, xuất viện chỉ chiếm gần 10%. 

Bác sĩ Huỳnh Quang, Phó Trưởng khoa khám, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Đối tượng là bệnh nhân tâm thần nên trong quá trình khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, các y bác sĩ của bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn bởi bệnh nhân mất trí, loạn thần có những hành vi bất thường, thậm chí hung bạo gây tổn hại cho gia đình, ảnh hưởng những người xung quanh”... Quả thật, đến Bệnh viện tâm thần vào sáng sớm mới chứng kiến hết công việc bận rộn của các y, bác sĩ ở đây, từ ghi chép bệnh án, chuẩn bị  thuốc tiêm, thuốc uống cho bệnh nhân đến việc đánh thức, hướng dẫn bệnh nhân gấp chăn, màn và thăm khám người bệnh. Bên cạnh những bệnh nhân có thể tự gấp chăn màn, quần áo, đánh răng, rửa mặt, giặt đồ… thì một số trường hợp phải trông chờ vào sự chăm sóc đặc biệt của cán bộ y tế. Những công việc tưởng như chỉ làm thay thế khi người bệnh không có người thân đã trở thành nhiệm vụ hằng ngày của các nhân viên y tế ở đây. Có người đã đảm nhiệm công việc này trong hơn 30 năm.

Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần ngoài việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân còn động viên an ủi để bệnh nhân sớm bình phục.
Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần ngoài việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân còn động viên an ủi để bệnh nhân sớm bình phục.

Cũng là chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhưng đòi hỏi các y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần cả một trái tim thương yêu và cảm thông, giúp đỡ người bệnh như chính những người thân của mình bởi bệnh nhân đều là những người có vấn đề về thần kinh hầu như không kiểm soát được hành động của mình. Theo phân loại nhóm bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hiện bệnh nhân tâm thần phân liệt chiếm 49%, rối loạn thần kinh 34%, động kinh 16% và trầm cảm là 1%. Những hành động kháng cự, trèo tường chạy trốn khỏi Bệnh viện, đập phá cơ sở vật chất hoặc cán bộ y tế bị bệnh nhân tấn công trọng thương dường như đã không còn xa lạ, thậm chí có bác sĩ còn bị bệnh nhân lên cơn động kinh đánh gãy tay. Thế nhưng, xuất phát từ trái tim cảm thông, chia sẻ và khi nhìn những gương mặt thất thần, trong cơn điên loạn của người bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây lại tự trấn an mình và tiếp tục gắn bó với công việc chăm sóc và điều trị những bệnh nhân tâm thần. “Đã xác định là điều dưỡng thì ở đâu cũng là phục vụ, đối với bệnh nhân tâm thần thì càng phải có cái tâm, thương yêu người bệnh như người thân của mình thì mới có thể làm tốt nhiệm vụ” - cô Vũ Thị Thúy, Điều dưỡng trưởng - Bệnh viện Tâm thần tỉnh, người đã gắn bó hơn 30 năm với công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần tâm sự.

Không chỉ chăm sóc và điều trị cho người bệnh, các cán bộ y tế còn đóng vai trò là người thân, người bạn để gần gũi, kể chuyện, sẻ chia những tâm tư tình cảm của bệnh nhân, động viên an ủi họ yên tâm  điều trị bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhân không thể tự sinh hoạt cá nhân, các điều dưỡng, hộ lý ở đây còn phải thay vai trò thân nhân của người bệnh để giặt giũ quần áo, chăn màn, chải đầu, cắt móng tay, móng chân, thậm chí kiêm luôn cả việc tắm rửa, thay đồ cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân Trương Thị Ngọc, ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã 3 tháng nay không có người nhà vào chăm sóc, nên mọi sinh hoạt của người bệnh này đều phó thác hoàn toàn cho bệnh viện mà người gánh trách nhiệm ở đây, không ai khác chính là các cán bộ y tế. 

Vất vả, khó khăn là vậy song ngoài lương cơ bản, phụ cấp đặc thù ngành 35% lương thì nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần hầu như không còn khoản hỗ trợ nào. Bác sĩ Trần Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Hiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần chưa tương xứng với công sức của họ, thêm vào đó là chính sách đào tạo còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp ngành để Bệnh viện Tâm thần ngày càng  nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần tỉnh nhà.”

Một niềm vui cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý nơi đây là chỉ một thời gian ngắn nữa, Bệnh viện Tâm thần  tỉnh sẽ chuyển về địa điểm mới ở km 4, Tỉnh lộ 1, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Cơ sở mới có tổng diện tích 16.000 m2, được Sở Y tế đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 40 tỷ đồng,  trong đó diện tích khuôn viên cây xanh là 3.200 m2, với 60 giường bệnh, đầy đủ trang thiết bị y tế và được bổ sung nhân lực, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị người bệnh. Đây là động lực động viên những người thầy thuốc cũng như các nhân viên y tế của Bệnh viện tiếp tục gắn bó với công việc thầm lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa, nghề chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân tâm thần.

 

Hương Xuân – Trần Lan

 


Ý kiến bạn đọc