Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6):

Cảnh giác và chủ động phòng, chống Sốt xuất huyết

08:52, 15/06/2011

Sốt xuất huyết Dengue (SXH D) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh là virus Dengue với 4 týp virus Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 ,Dengue 4(D1,D2,D3,D4), vector truyền bệnh là muỗi thuộc giống Aedes. Ở Việt Nam và nhiều nước vùng Đông Nam Á  vector chính truyền bệnh này là muỗi Aedes aegypty. Bệnh lây lan rộng, trong nhiều năm qua số mắc và chết do dịch bệnh này ngày một gia tăng và có những diễn biến phức tạp. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Việc phòng, chống dịch bệnh này chủ yếu là diệt muỗi truyền bệnh.

Năm 2010 là một năm có dịch lớn, cả nước có tới 128.710 người mắc và 109 ca  tử vong, số mắc /100.000 dân là 150,02. Dịch tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Riêng ở Tây Nguyên có số người mắc/chết ghi nhận được theo báo cáo của các địa phương là 13.255/5 và số mắc /100.000 dân là 331,38, số mắc tăng khoảng 8,9 lần so với năm 2009 và chiếm cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Tại Dak Lak trong năm qua có tới 6.443 ca mắc và 3 trường hợp tử vong, số mắc /100.000 dân là 371,75 và xuất hiện đầy đủ cả 4 týp virus Dengue.

Xử lý dịch bằng máy phun ULV đeo vai.
Xử lý dịch bằng máy phun ULV đeo vai.

Những tháng đầu năm 2011 mặc dù thời tiết không thuận lợi cho sự phát triển của vector truyền bệnh nhưng bệnh nhân SXH Dengue vẫn xuất hiện rải rác, lẻ tẻ ở nhiều địa phương. Cả nước, đã có tới 12.797  người mắc có 9 ca tử vong. Số mắc ghi nhận nhiều hơn cả tập trung ở các tỉnh phía Nam. Tại Tây Nguyên từ đầu năm đến hết tháng 5, đây là những tháng mùa khô, cũng đã có tới 122 trường hợp mắc theo báo cáo.

Hiện nay thời tiết có những diễn biến phức tạp, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ có tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực đặc biệt là tới cuộc sống, sức khỏe con người  trên quy mô toàn cầu. Hiện nay đang là mùa mưa. Theo  nghiên cứu của Viện VSDT Tây Nguyên và giám sát thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh khu vực cho thấy mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes sinh sản và phát triển, đây là yếu tố quan trọng trong lưu trữ và lây truyền dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống SXHD, Ngành y tế các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện bệnh nhân, huyết thanh, vector truyền bệnh, sẵn sàng bao vây và dập dịch kịp thời. Ban chỉ đạo các cấp huy động các ban, ngành, đoàn thể, trường học tích cực tham gia phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi, bọ gậy, huy động các nguồn lực của địa phương hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch.

Phối hợp với ngành giáo dục, đào tạo tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học tham gia tích diệt muỗi, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của y tế và coi đây là nội dung sinh hoạt, việc làm thường xuyên của học sinh các cấp.

Đặc biệt, tăng cường truyền thông, giáo dục, hướng dẫn cộng đồng  bằng nhiều hình thức khác nhau về các biện pháp phòng và chống sao cho mỗi người dân hiểu và tự giác tham gia  các hoạt động phòng chống muỗi một cách thường xuyên, chủ động, nhất là việc vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, thu dọn các dụng cụ phế thải (vỏ đồ hộp, trái cây, lốp xe cũ…, thau rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên… nhằm tiêu hủy nơi sinh sản phát triển của muỗi. Chủ động thực hiện việc nằm màn, dùng nhang, bình xịt hóa chất diệt muỗi,… Khi có dịch xảy ra cần phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế thực hiện việc điều tra, xác minh dịch và phun hóa chất dập dịch.

Xã hội hóa công tác phòng, chống SXHD, cộng đồng tự giác tham gia có hiệu quả, đây là biện pháp hữu hiệu và bền vững trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Hưởng ứng Ngày phòng chống SXH của ASEAN, các tổ chức, đơn vị và mỗi người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống hữu hiệu: “Không có bọ gậy, không có muỗi SXH – Không có SXHD” góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho mọi người.

GS.TS. Đặng Tuấn Đạt
(Viện trưởng Viện VSDT Tây nguyên)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.