Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh tay - chân – miệng

06:54, 20/07/2011

Hiện nay tình hình bệnh tay - chân – miệng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, 12/15 huyện, thị xã, thành phố đã xuất hiện bệnh nhân tay – chân – miệng với tổng số 40 trường hợp và đã có 1 trường hợp bị tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ ở nhà trẻ, mẫu giáo.

Bệnh tay - chân – miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virút gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc  trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân - miệng.  Virút được đào thải qua phân tồn tại trong đất, nước, rau..., người có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, lòng bàn chân, bàn tay, gối, mông nổi những vết đỏ dạng phỏng nước. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng gây nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, bại liệt khiến trẻ có thể tử vong. Trẻ bị bệnh tay - chân - miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh bông lan... Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ, tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh tay – chân - miệng cần cách ly trẻ, vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh thân thể cho trẻ và cho trẻ uống nhiều nước trái cây để tăng sức đề kháng. Trong quá trình chăm sóc, điều trị, ngoài việc tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu tiến triển của bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh diễn biến nặng có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh tay – chân – miệng cũng như thuốc đặc trị bệnh. Vì vậy, gia đình và các cơ sở nuôi dạy trẻ cần nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, tắm rửa và giữ vệ sinh tay, chân, miệng cho các cháu nhỏ; lau chùi đồ chơi, bàn ghế, giường tủ, sàn nhà; đồ chơi của trẻ thường xuyên, bằng dung dịch sát khuẩn. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh. Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

Hồng Vân

Ý kiến bạn đọc