Multimedia Đọc Báo in

Chính sách hỗ trợ cán bộ y tế: “Liều thuốc mạnh” để “giữ chân” người tài?

06:00, 24/09/2011

Những năm gần đây, việc một số bác sĩ bỏ bệnh viện công “đầu quân” cho y tế tư nhân đã khiến cho tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn cao tại các cơ sở y tế công lập càng thêm trầm trọng. Để cải thiện tình trạng này, mới đây, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút cán bộ y tế với những chế độ rất cụ thể. Nhưng, liệu chính sách này đã đủ mạnh để “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao?

Thực trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công
Chưa đầy 3 năm (từ năm 2009 đến nay), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã có 12 bác sĩ bỏ việc. Hầu hết các bác sĩ bỏ việc đều là những người có kinh nghiệm và vững vàng trong chuyên môn, thậm chí có cả những người đang giữ chức vụ trưởng, phó các khoa, phòng. Theo Giám đốc BVĐK tỉnh Bùi Trường Phong, đa số các bác sĩ bỏ việc tại BVĐK tỉnh đã chuyển sang làm việc tại các BV tư nhân. Có nhiều nguyên nhân khiến các bác sĩ bỏ BV công sang BV tư, nhưng tập trung ở 2 nguyên nhân chính đó là: những bác sĩ có chuyên môn vững vàng sẽ trở thành những nhân tố đầu đàn của các chuyên ngành tại BV tư; hơn nữa, làm việc tại BV tư, thu nhập của bác sĩ sẽ cao gấp nhiều lần ở BV công. Tuy số lượng bác sĩ ở BV bỏ việc chưa nhiều, nhưng đa số đều có tay nghề vững, trong khi nguồn nhân lực của BV công vẫn đang thiếu hụt nên đã ảnh hưởng phần nào đến việc điều trị và chất lượng điều trị đối với người bệnh.

Với BV Lao và bệnh Phổi tỉnh, nơi đảm nhiệm 2 chức năng khám cấp cứu bệnh nhân nội trú và triển khai các hoạt động phòng chống lao trong cộng đồng, tình trạng bác sĩ bỏ việc cũng diễn ra khá phổ biến và BV luôn phải hoạt động trong tình trạng nhân lực “khéo co thì ấm”. Bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc BV cho biết: Đặc điểm của BV Lao và bệnh Phổi là điều trị bệnh lây nhiễm, độc hại nên tâm lý của người dân, của xã hội và một bộ phận thầy thuốc còn e ngại. Bên cạnh đó, đối tượng của BV chủ yếu là người nghèo, bệnh mãn tính nên nguồn thu nhập của BV không nhiều, trong khi đó, do thiếu nhân lực nên các bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, không có điều kiện làm thêm ở các phòng mạch bên ngoài để nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của BV thì nhiều người không thể nuôi sống được bản thân và gia đình. Do đó, nhiều bác sĩ dù tâm huyết cũng phải bỏ việc ở BV này để tìm đến công việc mới, hoặc ra làm tại các cơ sở y tế tư nhân để có thu nhập ổn định hơn.

Những cơ sở y tế tư nhân với sự ưu đãi về thu nhập đang là sự lựa chọn của nhiều bác sĩ.  Trong ảnh: Các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đang thực hiện một ca phẫu thuật nội soi.
Những cơ sở y tế tư nhân với sự ưu đãi về thu nhập đang là sự lựa chọn của nhiều bác sĩ. Trong ảnh: Các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đang thực hiện một ca phẫu thuật nội soi.

Thu nhập ít ỏi, cộng với cơ sở vật chất khó khăn, thiếu đồng bộ, điều kiện làm việc thiếu thốn là một thực tế rất khó để “giữ chân” người tài, bởi thực chất ngoài điều kiện, môi trường làm việc, thì nguồn thu nhập là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công ngày càng nhiều. Theo thống kê của ngành Y tế, trong 3 năm (2009-2011), toàn tỉnh đã có 48 bác sĩ công tác tại các BV công bỏ việc. Những người bỏ việc đều là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ, có chuyên môn cao và có kinh nghiệm. Nhận định về tình hình này, bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Hiện nay, vấn đề bác sĩ bỏ BV công ra làm tư là tình trạng chung của cả nước, thậm chí ở nhiều nơi vấn đề này còn trở nên phổ biến, khiến nhiều BV không thể hình thành và hoạt động do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn. Do đó, đây là vấn đề chung của cả nước, mà đã là vấn đề chung thì biện pháp khắc phục cũng phải thống nhất, đồng bộ, song điều cơ bản cần giải quyết vẫn là chế độ, lương bổng, nếu chưa tương xứng thì cán bộ không yên tâm công tác. Về phần mình, ngành Y tế đã tham mưu nhiều văn bản để tỉnh ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết 31 (năm 2008) quy định về mức hỗ trợ đối với viên chức ngành Y tế; Nghị quyết 16 (năm 2011) bổ sung một số đối tượng được hỗ trợ và bổ sung mức hỗ trợ, trong đó có cán bộ, viên chức ngành Y tế. Như thế, Dak Lak là tỉnh đã dự đoán được tình hình và có biện pháp để khắc phục tình trạng bác sĩ bỏ việc tại BV công. Tuy nhiên, một số chính sách về viện phí hiện còn thấp, dẫn đến không đủ để các BV trang trải. Mặt khác, việc triển khai Nghị định 43 về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính còn nhiều khó khăn, ràng buộc do thu chi không hợp lý dẫn đến mức thu của cán bộ, y bác sĩ thấp nên nhiều người vẫn lựa chọn giải pháp “đầu quân” cho BV tư để nâng cao thu nhập.

 

Có thể thấy, trong khi những bất cập nói trên chưa được giải quyết thì hằng ngày đội ngũ y bác sĩ giỏi, những người có kinh nghiệm vẫn lần lượt rời BV công đến làm việc tại các BV tư nhân. Còn những người chưa hội đủ các điều kiện, chưa thể sắp xếp một chỗ làm phù hợp cũng khó mà chuyên tâm làm việc, hoặc có thể tìm cách khác để có thêm thu nhập. Và như vậy, hệ quả tất yếu là chất lượng khám chữa bệnh tại các BV công sẽ ngày càng giảm sút, uy tín bệnh viện dần bị sụt giảm...

Chính sách hỗ trợ cán bộ y tế: Lời giải cho bài toán nhân lực?
So với các tỉnh trong khu vực, Dak Lak có một lợi thế hơn hẳn, đó là có Trường Đại học Tây Nguyên, nơi đào tạo nguồn nhân lực y tế. Tại đây, mỗi năm có hàng trăm sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường và mỗi năm các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đều có thông báo tuyển dụng bác sĩ gửi về trường. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng cán bộ y tế các đơn vị tuyển dụng được lại thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển dụng đề ra. Thậm chí, nhiều BV tuyến huyện (nhất là các huyện vùng sâu vùng xa) gửi thông báo tuyển dụng về trường từ rất sớm, nhưng vẫn không nhận được hồ sơ xin việc nào của sinh viên. Ngay như BVĐK tỉnh-đơn vị y tế lớn nhất trên địa bàn, tuy vẫn đề ra chỉ tiêu tuyển dụng thường niên, song đến thời điểm này, chỉ tính riêng đội ngũ bác sĩ vẫn đang thiếu khoảng 20 người. Trước tình trạng thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ tại các cơ sở y tế, năm 2008, trên cơ sở tham mưu của ngành Y tế, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết 31 ngày 19-12-2008 quy định một số chính sách hỗ trợ đối với viên chức ngành y tế. Theo đó, các bác sĩ đang công tác và mới tuyển dụng tại các xã vùng III, biên giới được hỗ trợ lần đầu là 10 triệu đồng và hỗ trợ thêm hằng tháng là 500.000 đồng/người/tháng; các bác sĩ đang công tác và mới tuyển dụng tại các xã vùng II và thị trấn của 5 huyện (Lak, Krông Bông, M’Drak, Ea Súp, Buôn Đôn) được hỗ trợ lần đầu 5 triệu đồng và hỗ trợ thêm hằng tháng là 300.000 đồng/người/tháng; các bác sĩ công tác tại các xã, phường còn lại cũng được hỗ trợ thêm hằng tháng là 100.000 đồng/người/tháng… Ngoài ra, Nghị quyết 31 cũng quy định hỗ trợ kinh phí thu hút cán bộ y tế chuyên môn cao đối với dược sĩ đại học hệ chính quy là 10 triệu đồng/người, bác sĩ chuyên khoa I là 15 triệu đồng/người và bác sĩ chuyên khoa II là 20 triệu đồng/người. Mặc dù những chính sách này đã có hiệu lực được gần 3 năm, song, thực tế số cán bộ thu hút được vẫn rất ít. Thống kê của ngành Y tế cho thấy: từ đầu năm 2009 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thu hút được 4 cán bộ y tế có chuyên môn cao (3 bác sĩ và 1 thạc sĩ) về công tác tại BVĐK tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. Các BV tuyến huyện cũng như các trung tâm y tế không thu hút được bác sĩ nào. Đã vậy, thạc sĩ duy nhất thu hút được lại bỏ việc sau vài tháng công tác, do thu nhập thấp.
Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế, thực hiện chính sách hỗ trợ hằng tháng theo Nghị quyết 31 đã động viên cán bộ tại các đơn vị đặc thù (lao, tâm thần, HIV/AIDS, y tế dự phòng…) yên tâm công tác. Tuy nhiên, chế độ thu hút đối với người mới đến, nhất là những cán bộ chuyên môn cao (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ) thì mức độ hấp dẫn vẫn chưa cao hoặc là chế độ thu hút ban đầu tốt nhưng khi về công tác thì thu nhập thường xuyên thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn, cũng như y tế tư nhân nên chưa thu hút được nhiều. Chính vì vậy, để tăng tính hiệu quả của chính sách, mới đây HĐND tỉnh khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 16 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31. Trong đó có nâng mức hỗ trợ kinh phí thu hút đối với cán bộ y tế chuyên môn (dược sĩ đại học là 10 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I là 15 triệu đồng, bác sĩ nội trú và thạc sĩ y khoa là 20 triệu đồng và bác sĩ chuyên khoa II là 25 triệu đồng) và nâng mức hỗ trợ ban đầu cho các bác sĩ về công tác tại các BV, trung tâm y tế thuộc 5 huyện Lak, Krông Bông, M’Drak, Ea Súp, Buôn Đôn từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/người/tháng; đồng thời mở rộng thêm một số đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng. Cụ thể: ngoài các đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng nêu tại Nghị quyết 31 (gồm các bác sĩ công tác tại các xã, phường, thị trấn; bác sĩ làm việc trong các chuyên khoa lao, tâm thần, HIV/AIDS, phong, pháp y và y tế dự phòng), Nghị quyết 16 đã bổ sung thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng là các cán bộ, viên chức công tác tại BV Tâm thần, BV Lao và bệnh Phổi, Khu điều trị Phong (thuộc trung tâm da liễu). Đó là: hỗ trợ 400.000 đồng/người/tháng cho viên chức có trình độ dược sĩ đại học, cử nhân y khoa; 300.000 đồng/người/tháng cho viên chức có trình độ cử nhân cao đẳng y học và trung cấp y tế và 200.000 đồng/người/tháng cho các cán bộ, viên chức khác.

Quả thực, chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức ngành Y tế của tỉnh là việc làm mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cán bộ y tế. Tuy nhiên, để duy trì được nguồn nhân lực y tế ổn định, tạo cơ sở cho sự phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các BV, đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế đến với nhân dân, thiết nghĩ: song song với chính sách hỗ trợ, tỉnh và ngành y tế cần có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, môi trường làm việc và tạo điều kiện cho cán bộ y bác sĩ được học tập nâng cao tay nghề, đặc biệt là đề ra cơ chế tài chính phù hợp để “giữ chân” người tài.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.