Multimedia Đọc Báo in

Để phòng bệnh tăng huyết áp

08:48, 08/02/2012

Hiện nay tỷ lệ người bị tăng huyết áp đang có khuynh hướng gia tăng ở nước ta. Năm 2008 khi tiến hành điều tra ở người lớn (từ 25 tuổi trở lên)  tại 8 tỉnh, thành phố của nước ta thì thấy tỷ lệ tăng huyết áp là 27,2%.

Tại tỉnh Dak Lak, chương trình quốc gia phòng chống bệnh tăng huyết áp được triển khai từ năm 2010 tại 28 xã thuộc 8 huyện, thành phố (Buôn Ma Thuột, Lak, Ea Súp, M’Drak, Buôn Đôn, Krông Bông, Cư M’gar, Buôn Hồ). Hiện đã có gần 28.200 người được khám sàng lọc tăng huyết áp và phát hiện hơn 1.350 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Các biến chứng thường gặp nhất trong tăng huyết áp là tim (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim), thận (có protein trong nước tiểu, suy thận), mắt (tổn thương đáy mắt), não (tai biến mạch máu não), mạch máu (phình tắc thành động mạch vành, viêm tắc động mạch vành).

Đo huyết áp là cách đơn giản và duy nhất để chẩn đoán huyết áp. Cách đo huyết áp như sau: nên nghỉ ngơi khoảng 10 phút trước khi đo, tránh dùng các chất kích thích (cà phê, thuốc lá, bia, rượu...). Đo ở tư thế ngồi hoặc nằm (người già và người mắc bệnh đái tháo đường nên đo huyết áp ở cả tư thế đứng). Đo ở hai tay và đo khoảng 2 lần hoặc 3 lần, mỗi lần cách nhau hai phút.

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Khi tim co bóp, máu sẽ được tống ra ngoài và ép vào thành động mạch làm thành mạch căng ra.

Ở người bình thường huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi chúng ta đang ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8-10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức về thể lực, căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh,... đều có thể làm huyết áp tăng lên. Nếu nghỉ ngơi, thư giãn huyết áp sẽ hạ xuống.

Khi bị lạnh gây co mạch, dùng một số thuốc gây co mạch, hoặc thuốc gây co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy hoặc dùng thuốc dãn mạch,... có thể gây hạ huyết áp. Huyết áp lên xuống trong những điều kiện nhất định là bình thường.

Có những yếu tố nguy cơ có thể phối hợp với nhau làm tăng huyết áp:

- Tuổi: Tuổi càng cao tỷ lệ tăng huyết áp càng cao; hơn ½ những người từ 60-69 tuổi và hơn ¾ những người lớn hơn 70 tuổi bị tăng huyết áp.

- Giới: Nam trên 55 tuổi, nữ trên 65 tuổi

- Di truyền: Cha mẹ bị tăng huyết áp nguy cơ con cái bị tăng huyết áp cao hơn so với gia đình cha mẹ không bị tăng huyết áp.

- Béo phì: Làm tăng co mạch máu, rối loạn chuyển hóa mỡ.

- Tiểu đường, hút thuốc: Tim đập nhanh hơn nhưng mạch máu bị co lại.

- Ít vận động.

- Stress: Gây ra những phản ứng làm tăng nhịp tim.

- Thói quen ăn mặn: Giữ nước, giữ muối gây tăng thể tích máu.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ rất quan trọng trong bệnh lý của tim và các mạch máu. Vì vậy, kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch nhằm phát hiện và điều trị sớm, điều trị đúng cách tăng huyết áp góp phần giảm được các tai biến về tim mạch do tăng huyết áp.

Các biện pháp tích cực nhằm thay đổi lối sống áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và giảm được số đo huyết áp, số thuốc cần dùng:

Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no; tích cực giảm cân nếu quá cân; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và 80cm ở nữ; hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào; tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp với người bệnh, đều đặn tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột. Phải khám sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán và dùng thuốc khi cần.

Khi phải dùng thuốc cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị. Do điều trị lâu dài nên người bệnh cần hiểu về bệnh, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn. Nên tham gia các chương trình khoa học giữa các chuyên gia và bệnh nhân bệnh tăng huyết áp. Tuân thủ các hướng dẫn cũa bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc, nếu có triệu chứng lạ nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc