Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam vẫn nằm trong 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao

09:04, 06/04/2012

Theo báo cáo kết quả tổng điều tra về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 công bố ngày 4-4, hiện cả nước vẫn có đến 31 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi trên 30% và 2 tỉnh trên 40% - mức cao và rất cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Và Việt Nam hiện nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ SDD thấp còi cao trên toàn cầu.

Vẫn còn hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 cho thấy, hiện nay SDD ở trẻ em vẫn là thách thức lớn ở nước ta, với hơn 17% trẻ em bị SDD, đặc biệt ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Cả nước có tới 29,3% trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi, trong đó 31 tỉnh có tỷ lệ trên 30% (mức cao), 2 tỉnh trên 40% (mức rất cao). Ước tính đến năm 2010, Việt Nam còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi và khoảng 520.000 trẻ em suy dinh dưỡng gầy còm.

Đáng lo ngại hơn, trong khi trẻ em ở vùng sâu, vùng xa bị suy dinh dưỡng, còi cọc thì trẻ em ở thành phố, nhất là các thành phố lớn lại phải đối mặt với sự gia tăng của tình trạng béo phì. Qua điều tra cho thấy, cả nước có 4,8% trẻ em dưới 5 tuổi đang bị thừa cân, béo phì, trong đó khu vực thành phố 5,7%, nông thôn 4,2%; đặc biệt, tỷ lệ này lên tới 12% tại Hà Nội, 15% tại TP. Hồ Chí Minh và cao hơn gấp 6 lần so với kết quả điều tra năm 2000.

aa
Cả nước hiện vẫn còn 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi. Ảnh minh họa

Tập trung giảm tỷ lệ SDD 

Trên cơ sở kết quả điều tra, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 226/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh duỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2030 với 6 mục tiêu cụ thể: tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em (phấn đấu tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi còn 26% và SDD thể nhẹ cân 15% vào năm 2015); cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng; từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành (kiểm soát ở mức dưới 8% vào năm 2015, duy trì dưới 12% vào năm 2020); nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng cộng đồng và cơ sở y tế (đến năm 2015, bảo đảm 50% số tỉnh có đủ năng lực giám sát về dinh dưỡng và đạt 75% vào năm 2020).

Trên thực tế, tình trạng SDD thấp còi xảy ra trong 1.000 ngày đầu của cuộc đời trẻ có thể để lại hậu quả hầu như không thể phục hồi trong quá trình phát triển của trẻ. Các thông tin khoa học gần đây cũng cho thấy, SDD thấp còi là một chỉ số có giá trị nhất để phản ánh tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Giai đoạn "cửa sổ" - quãng thời gian từ khi trong bụng mẹ đến 2 tuổi - là giai đoạn quan trọng bậc nhất để có thể can thiệp phòng tránh SDD thấp còi cho trẻ cũng như các ảnh hưởng khác của nó. Bởi vậy, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020 hướng tới việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam. Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho biết, những kết quả điều tra rất cơ bản được công bố lần này là cơ sở quan trọng để ngành Y tế cũng như Chính phủ xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho các năm tiếp theo, nhất là việc giải quyết gánh nặng kép về SDD và thừa cân, béo phì hiện nay.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, theo bà Nguyễn Thị Lâm, phải cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Khi dinh dưỡng được bảo đảm cân đối, hợp lý sẽ giúp các thế hệ tương lai phát triển được toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây không phải việc của riêng ngành Y tế mà phải là trách nhiệm của các cấp, ngành và mọi người dân.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc