Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị ngộ độc chì
Trước tình trạng trẻ em nhiều địa phương ngộ độc chì mà chưa có một phác đồ về chẩn đoán và điều trị, Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì áp dụng tại tất cả các tuyến điều trị.
Bộ Y tế khẳng định, người có thể tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, phổ biến nhất là qua các loại thuốc nam dùng để uống, bôi (gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi…) có chứa chì. Chì còn tồn tại trong các loại sơn, đặc biệt là loại sơn cũ; thực phẩm (đồ hộp có chất hàn gắn sử dụng chì)…
Chì gây độc với hầu hết cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thần kinh. Việc chẩn đoán ngộ độc chì được chia thành 3 mức độ: nặng, trung bình và nhẹ. Trẻ bị nhiễm độc chì ở mức độ nặng thường có những biểu hiện về bệnh lý não, co giật, nôn kéo dài, thiếu máu, thiếu sắt, xét nghiệm nồng độ chì trong máu vượt mức 70 microgam/dl. Trẻ nhiễm độc chì ở mức độ trung bình có biểu hiện tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bỏ chơi, quấy khóc kèm cơn đau bụng, nôn từng lúc, chán ăn. Ở mức độ nhẹ thì thường không có triệu chứng. Người lớn bị nhiễm độc chì cũng có dấu hiệu bệnh lý não, xuất hiện cơn đau quặn bụng, nôn, táo bón, đau cơ, thiếu máu, thậm chí mắc bệnh lý thận. Nếu trẻ bị nhiễm nồng độ chì nặng thì kể cả khi đã được điều trị cũng vẫn có từ 25 đến 30% bị di chứng vĩnh viễn, như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt. Trẻ nhiễm độc nhưng không có triệu chứng rõ ràng cũng có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, thể chất nên vẫn cần phải điều trị, theo dõi. Đặc biệt, những bà mẹ nhiễm độc chì thì tốt nhất không nên cho con bú.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân chỉ khám bệnh ở những cơ sở có đăng ký và dùng các thuốc lưu hành hợp pháp, loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì như sơn, đồ chơi có chì. Đồng thời, Bộ Y tế lưu ý, những bệnh nhân ngộ độc chì từ trung bình đến mức độ nặng đều phải nhập viện điều trị. Hướng dẫn điều trị được hướng dẫn rất chi tiết từng loại thuốc, hàm lượng với từng đối tượng từ trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai… Các biến chứng, tác dụng phụ của từng loại thuốc điều trị ngộ độc chì cũng được chỉ ra và hướng dẫn chi tiết cách xử lý. Ngoài ra, các phương pháp điều trị để hạn chế hấp thu chì như rửa dạ dày, rửa ruột toàn bộ… cũng được hướng dẫn chi tiết cho từng trường hợp.
Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề với tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống <5% khi có thuốc gắp chì có hiệu quả. Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ, phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ để lại di chứng về trí tuệ, thể chất. Vì thế, nếu có nguy cơ nhiễm độc chì từ thuốc nam, môi trường sống… nên đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra để được xét nghiệm máu khẳng định.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc