Mỗi năm ghi nhận khoảng 5.000 ca ung thư cổ tử cung mới
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung (UTCTC) mới và một nửa số đó tử vong. Đáng lưu ý, phần lớn phụ nữ hiện nay thiếu thông tin và kiến thức về căn bệnh này để chủ động phòng, chống.
UTCTC là một trong những loại ung thư có thể phòng tránh được và đã có vắc-xin phòng nhiễm một số type vi-rút gây UTCTC. Hầu hết các ca UTCTC đều liên quan đến vi-rút Human Pappilomavirus (HPV) - loại vi-rút rất dễ lây lan qua đường tình dục với tỷ lệ 10 phụ nữ thì sẽ có 8 người bị nhiễm ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không phải type HPV nào cũng gây UTCTC. Các type gây ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu là type 16, 18 (chiếm hơn 70%). Khi người phụ nữ mắc phải HPV gây ung thư trong một thời gian từ 6 đến 12 tháng, vi-rút này sẽ gây ra những biến đổi bất thường ở cổ tử cung và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vi-rút HPV dễ lây lan qua đường tình dục (da tiếp xúc da), mặc chung đồ lót, găng tay phẫu thuật, mẹ truyền sang con… Bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần, gây bệnh ung thư và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhiều ca tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý, chi phí điều trị.
Ngoài biện pháp giáo dục tuyên truyền phòng bệnh, có chiến lược tầm soát phát hiện và điều trị sớm, tiêm ngừa vắc-xin có tỷ lệ phòng bệnh rất cao. Vắc-xin ngừa UTCTC đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam từ năm 2008 với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là ngăn ngừa UTCTC cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc