Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em

07:47, 30/05/2012

Theo báo cáo công tác Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng năm 2011 của Cục Quản lý Môi trường y tế, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở người lớn và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Mùa hè là thời điểm nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, cũng là thời gian mà trẻ được nghỉ học tại trường nên có nhiều thời gian vui chơi ở nhà. Thời tiết nắng nóng, trẻ sẽ tự tìm đến sông, suối, ao, hồ để tắm, nhất là trẻ em ở nông thôn. Vì vậy, việc phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ là rất cần thiết.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh ta xảy ra khoảng 20 vụ tai nạn do đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Nguyên nhân là do sự bất cẩn của người lớn, thiếu giám sát khi để trẻ tự do đi chơi, nhiều trẻ trốn gia đình tìm đến sông, suối để học bơi... Điều đáng quan tâm ở đây là hầu hết các em không biết bơi và đi bơi không có người lớn đi kèm, không có bất kỳ phương tiện cứu hộ nào và bơi ở những nơi không hề có biển báo nguy hiểm. Ngay ở những địa điểm năm nào cũng có trẻ chết đuối nhưng các em vẫn rủ nhau đến đó đùa nghịch và bơi.

Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nói chung và phòng chống tai nạn đuối nước nói riêng thực sự là vấn đề cần thiết của cộng đồng. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ. Trường học, đoàn thể nên mở lớp dạy bơi và trang bị cho các em những kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để trẻ áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm, giám sát chặt chẽ khi trẻ đi chơi, nên chủ động dạy trẻ tập bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi đi bơi ở sông, hồ... mà không có sự giám sát của người lớn. Đối với những hộ có ao, hồ cần làm tường rào che chắn; giếng, thau, chậu, lu… đựng nước phải có nắp đậy; đặt các biển báo nguy hiểm ở bãi tắm biển, tắm sông, hồ ao... từng xảy ra tai nạn đuối nước.

Khi gặp trường hợp đuối nước, cần phải sơ cứu nạn nhân nhanh chóng và đúng cách:

- Ở dưới nước, nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ. Tiến hành ngay hô hấp nhân tạo: đặt nạn nhân nằm ngửa cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi mũi, miệng nạn nhân. Đặt khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nạn nhân ngừng tim, phải ép tim ngoài lồng ngực: dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim khoảng 100 lần/phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi, lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Khi có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện sẵn có hoặc gọi xe cấp cứu.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.