Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh tay, chân, miệng diễn biến phức tạp

15:13, 24/07/2012

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu những năm trước bệnh tay, chân, miệng (TCM) chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, thì đến thời điểm này, các tỉnh phía Bắc có số người mắc cao nhất cả nước, chiếm 43,9% tổng số ca mắc. Nhiều địa phương như: Hải Phòng, Bắc Cạn, Hòa Bình là "điểm nóng" về tình hình dịch. Ngành y tế và chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và nhất là không để xảy ra các trường hợp tử vong do TCM.

So với cả nước, bệnh TCM xuất hiện ở Bắc Cạn muộn nhất (cuối tháng 8-2011), nhưng sau đó nhanh chóng tăng cao, lây lan ra diện rộng. Tuy tổng số người mắc bệnh không nhiều, nhưng đây là địa phương có tỷ lệ người mắc TCM cao nhất cả nước, với tỷ lệ 279,6/100 nghìn dân. Nếu như từ tháng 1 đến tháng 4, Bắc Cạn có 345 ca mắc bệnh, thì từ tháng tư đến nay, số người mắc bệnh tăng lên 863 trường hợp ở 80 trong tổng số 122 xã, phường, thị trấn thuộc tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Xếp ngay sau Bắc Cạn là thành phố Hải Phòng. Theo thống kê của ngành Y tế địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố có 4.738 trường hợp mắc bệnh TCM. Trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ chưa phát hiện trường hợp nào, 14 quận, huyện còn lại của thành phố đều xuất hiện bệnh TCM. Cao nhất là huyện Thủy Nguyên với 757 trường hợp, huyện Vĩnh Bảo 525 trường hợp, An Lão 473 trường hợp, Kiến Thụy 446 trường hợp... Trong số trẻ em mắc TCM, có tới hơn 91% là trẻ dưới năm tuổi. Riêng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho 2.465 trẻ em mắc TCM, trong đó có tới 68 trường hợp mắc bệnh ở mức độ ba. Bệnh viện đa khoa Kiến An và bệnh viện đa khoa các quận, huyện cũng tập trung điều trị cho các trường hợp mắc bệnh TCM ở mức độ một và 2a, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Thời gian qua, bệnh TCM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng có những diễn biến phức tạp. Các trường hợp mắc bệnh tăng lên từng ngày, mặc dù có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và địa phương. Ðiều đáng lo ngại là nhiều ổ dịch TCM đã xuất hiện ở các nhà trẻ. Hiện nay, Hòa Bình là tỉnh có số ca ghi nhận mắc bệnh đứng thứ tư của miền Bắc. Nguyên nhân làm cho bệnh TCM diễn biến phức tạp và lây lan rộng là do công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn như bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, nhất là tỷ lệ người lành mang trùng lên đến tới 50,5%...

Theo dự báo, bệnh TCM có nguy cơ tiếp tục lây lan mạnh vào tháng 9 và tháng 10 tới, khi các em học sinh chính thức bước vào năm học mới. Tránh nguy cơ này, Cục Y tế dự phòng đề nghị cấp ủy, chính quyền, ngành Y tế các địa phương và các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh của nhân dân; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, để đáp ứng yêu cầu phòng và điều trị bệnh.

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc