Nghịch lý trong xử lý chất thải rắn ở Bệnh viện Đa khoa khu vực 333
Mặc dù đã được đầu tư lò đốt rác hiện đại gần 1 năm qua, thế nhưng đến thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 vẫn xử lý chất thải rắn bằng cách chôn lấp thủ công. Vì vậy đã và đang trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.
Hằng ngày, lượng rác thải của Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 vẫn được chôn lấp thủ công. |
Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (nằm trên địa bàn huyện Ea Kar) có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế xem xét đầu tư hệ thống lò đốt rác để hỗ trợ bệnh viện xử lý lượng chất thải rắn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Năm 2011, Bệnh viện được Sở Y tế bàn giao một lò đốt rác trị giá gần 1 tỷ đồng. Nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua, lò đốt hiện đại này vẫn đang nằm im lìm phơi mưa nắng bên ngoài hành lang bệnh viện. Trong khi đó, xử lý lượng chất thải rắn mỗi ngày tại Bệnh viện vẫn tiếp tục kiểu “truyền thống” là… chôn lấp. Đặc biệt hơn, việc này không phải thực hiện tại bãi rác tập trung của huyện mà được làm thủ công ngay trong khuôn viên bệnh viện với nơi chôn lấp là một giếng cạn đường kính chưa đầy 3m và chiều sâu cũng chỉ khoảng 10m. Bác sĩ Lê Văn Dần, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 cho biết, mặc dù bệnh viện đã tiếp nhận lò đốt từ năm 2011, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kinh phí đầu tư xây dựng nhà kỹ thuật cũng như các trang thiết bị đi kèm nên không thể đưa lò đốt vào vận hành. Để thực hiện tốt công tác xử lý rác thải y tế, chống nhiễm khuẩn những năm qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 đã thành lập Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác phân loại rác thải tại các khoa phòng và xử lý rác thải. Đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ về quy định phân loại rác thải theo quy định của Bộ Y tế. Nhờ vậy việc phân loại rác được cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm túc, phân loại tại nguồn theo hệ thống túi màu quy định. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã trang bị hệ thống xử lý nước thải (hay còn gọi là chất thải lỏng) và phân công nhân viên trực vận hành xử lý thường xuyên, bảo đảm nước thải phải được xử lý trước khi đẩy ra môi trường bên ngoài.
Lò đốt rác trị giá gần 1 tỷ đồng nằm phơi sương bên ngoài hành lang bệnh viện. |
Có thể thấy, việc tổ chức giám sát, xử lý rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 dù được thực hiện tương đối chặt chẽ, nhưng nếu chỉ chú trọng đến khâu xử lý nước thải thôi thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải khác là khó tránh khỏi. Bởi, trên thực tế rác thải y tế được chia làm hai loại chính: chất thải rắn (những dụng cụ y tế, kim tiêm, ống thuốc, bông, băng dính, gạc... đã qua sử dụng) và chất thải lỏng (các loại nước thải từ các buồng vệ sinh bệnh nhân, buồng mổ, vệ sinh nhà đẻ, vệ sinh tiểu phẫu...). Dù là loại nào thì cũng đều là những chất thải trực tiếp từ người bệnh. Do đó, đối với mỗi loại chất thải phải có quy trình xử lý khác nhau, tách rời để bảo đảm tối đa hiệu quả trong việc loại bỏ vi trùng, các chất nhiễm khuẩn độc hại đối với môi trường sống và con người... Kết quả một xét nghiệm khoa học được thực hiện cách đây không lâu cho thấy, mỗi một gram bệnh phẩm như mủ, đờm… nếu không được xử lý, sẽ có thể lan truyền 11 tỷ vi khuẩn gây bệnh. Và như vậy, việc chôn lấp rác thủ công như Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 đang thực hiện mỗi ngày (dù số lượng không lớn) luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và có thể dẫn đến dịch bệnh, chưa kể đến việc quy trình chôn lấp không được tuân thủ theo đúng quy định sẽ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.
Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Theo kết quả kiểm tra, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 là bệnh viện duy nhất trên địa bàn tỉnh còn thực hiện việc chôn lấp chất thải y tế không đúng theo quy định, có nhiều nguy cơ gây phát tán bệnh nguy hiểm ra môi trường. Thế nhưng, đến khi nào bệnh viện mới thay đổi cách chôn lấp rác “truyền thống” bằng việc vận hành lò đốt rác theo quy định thì ngay cả lãnh đạo bệnh viện cũng chưa thể khẳng định. Bác sĩ Dần cho biết, hiện cũng cố gắng chôn lấp thật kỹ lưỡng để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đối với lò đốt rác đã tiếp nhận, từ nay đến cuối năm nếu có kinh phí để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh bệnh viện sẽ đưa vào vận hành.
Câu chuyện về hệ thống xử lý chất thải rắn của Bệnh viện Đa khoa 333 bị bỏ ngỏ là do kinh phí – vấn đề muôn thuở đã trở thành “truyền thống” của đơn vị này. Kinh phí thì đang thiếu, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn đang tiềm ẩn, song “cỗ máy” trị giá gần 1 tỷ đồng dường như đang bị bỏ quên bên hành lang bệnh viện và đang xuống cấp từng ngày. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành chức năng cần có cách tháo gỡ nghịch lý này để bảo vệ môi trường sống của người dân trong khu vực trước nguy cơ bị rác thải y tế tấn công.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc